Nét văn hóa trang phục đồng bào Mông (Sơn La)

Thứ Hai, 10/01/2011 10:01

1,649 xem

0 Bình luận

(0)

4256

Đóng lạiĐồng bào Mông định cư ở Sơn La từ rất sớm, với mật độ dân số khá đông, khoảng 132.000 người, chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Mông ở Sơn La là một cộng đồng có truyền thống đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương; có tiếng nói và phiên bản dịch chữ viết riêng với nền văn hóa đa dạng, phong phú luôn được gìn giữ và phát huy.


Ngày xuân, về với Sơn La, đến bất cứ vùng thấp hay vùng cao, từ bản nhỏ đến phố chợ đông đúc người qua, đâu đâu cũng bắt gặp những chàng trai, cô gái Mông khoác trên mình những bộ váy áo rực rỡ sắc màu đi chơi xuân mà không hề pha lẫn với bất cứ dân tộc khác. Đồng bào Mông ở Sơn La gồm các ngành: Mông hoa, Mông đỏ, Mông xanh và Mông đen. Ngoài những điệu múa khèn, múa ô nổi tiếng và những giai điệu khèn lá, tiếng sáo dập dìu cùng các trò chơi dân gian nổi tiếng như bắn nỏ, ném pa pao, đánh tu lu, đẩy gậy, rồng ấp trứng... đồng bào Mông ở Sơn La còn có những nét văn hóa rất riêng, trong đó có văn hóa trang phục đặc sắc, cho tới hôm nay vẫn được bảo tồn, duy trì và phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Nếu như đồng bào Thái có khăn piêu, áo cóm được làm từ sợi bông, tạo thành nét văn hóa truyền thống riêng biệt được lưu truyền thì đồng bào Mông chỉ bằng những sợi cây lanh trồng trên nương rẫy, được các cô gái Mông chăm chỉ mang về tước vỏ, phơi khô, se lanh thành sợi, nhuộm màu, dệt nên những tấm vải thổ cẩm đa sắc màu. Trước đây, để làm nên những tấm váy áo sặc sỡ chủ yếu là đan hoặc thêu thùa thủ công hàng năm trời mới hoàn thành một bộ váy áo. Nay, do nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, nghề may công nghiệp đã được đưa vào khai thác nhưng vẫn giữ nguyên được bản sắc dân tộc qua từng hoạ tiết trang trí diêm dúa trên tà váy, áo. Trang phục Mông đỏ và Mông đen (chủ yếu sống ở Phù Yên, Bắc Yên, Mường La) thường sặc sỡ với gam chủ lực là màu vàng đỏ trên nền vải đen (thân áo đen, tay vàng đỏ; váy phần trên đen còn 2/3 dưới là vàng đỏ, nhiều nếp gấp, còn chân quấn xà cạp đen). Còn trang phục Mông xanh (chủ yếu sống ở Mộc Châu, Yên Châu) thì gam màu chủ yếu là xanh đen xen trắng. Hầu hết các bộ trang phục đó được mặc ở bất cứ hoàn cảnh nào, nó đều phù hợp với cả trong điều kiện lao động sản xuất cũng như trong lễ hội. Còn đối với Mông hoa, phân biệt dễ dàng với ngành Mông khác là ở chiếc mũ đội đầu. Mông hoa ở Mai Sơn, Sông Mã thường đội mũ lọng, mũ chụp nhưng được gắn rất nhiều tua dua, chuỗi hạt cườm rực rỡ sắc màu; còn Mông hoa ở Thuận Châu, Quỳnh Nhai thì chủ yếu quấn khăn đen đội lên đầu thành mũ (kiểu như khăn piêu người Thái) nhưng trên khăn có gắn rất nhiều chùm hoa đỏ bằng sợi len. Đối với Mông đỏ và Mông đen (ngành Mông đơ) thì ít đội khăn hoặc mũ mà chủ yếu quấn thêm tóc giả, tóc đuôi ngựa, quấn nhiều lớp dày trên đầu trở thành “mốt thời trang tóc” kèm theo khuyên tai, hoa tai bằng bạc, to bản, nhiều lớp, trạm khắc tinh sảo, được đeo nặng trĩu bên tai, tạo thành nét riêng có của đồng bào Mông. Riêng Mông đen còn được thể hiện cách trang trí rất riêng cho mình với việc đeo rất nhiều lớp vòng cổ bằng bạc trắng được tôi luyện tinh sảo đủ các kích cỡ từ to đến nhỏ. Còn hầu hết đàn ông của đồng bào Mông ở Sơn La đều có nét chung là bộ trang phục đều là màu đen, áo bó, cúc vải, quần thụng; nhiều vùng còn trang trí quanh vạt áo bằng những chùm đồng bạc trắng...


Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác và đầy đủ, nhưng đến thời điểm này, văn hóa trang phục của đồng bào Mông ở Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng vẫn là bộ trang phục bằng thổ cẩm đẹp nhất, cầu kỳ nhất và đậm chất dân tộc nhất. Họ đã và đang bảo tồn, làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading