Cách pha nước chấm ngon

Thứ Năm, 29/12/2011 01:43

24,936 xem

0 Bình luận

(0)

3562

Nước chấm có thể nói là linh hồn của món ăn. Món ăn ngon mà nước chấm không ngon sẽ làm giảm độ ngon của món ăn. Cùng amthuc365 pha nước chấm cho món ăn thêm đậm đà.

Nhiều món ăn có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng bát nước chấm (như nem, thịt luộc, cá rán)... Bí quyết nào để pha nước chấm được ngon, hợp với từng món ăn mà lại trông đẹp mắt?

Đa phần các món ăn ở Việt Nam nước chấm dùng nước mắm là chủ yếu. Vậy nên bí quyết để có nước chấm ngon thì điều kiện đầu tiên là nguyên liệu chính phải ngon, ví dụ như nước mắm. Kế đến là tỷ lệ pha chế các nguyên liệu. Điều này sẽ quyết định nước mắm ngon hay dở. Nên pha độ ngọt trước, kế đến là độ chua (nếu có), sau cùng là độ mặn. Cách làm như vậy sẽ dễ dàng kiểm soát độ vừa của nước chấm. Nếu bạn cho tất cả các thành phần vào cùng một lúc, quậy lên và nếm thử thì rất khó kiểm soát. Điều đặc biệt là không nên cho bột ngọt vào nước chấm, hoặc các gia vị có tính chất khử mùi nhau.
Nguyên liệu:
  • 1 trái ớt (to khoảng một ngón tay)
  • 3 - 4 tép tỏi
  • 2 - 3 muỗng cà phê đường
  • 1/2 trái chanh
  • Nước mắm ngon
  
Cách pha:
  1. Tất cả thành phần giã nhuyễn đến khi thấy chúng quyện với nhau thành một hỗn hợp dẻo là được.
  2. Vắt nửa trái chanh vào, dùng chày quậy đều hỗn hợp ớt, tỏi, chanh, đường lại với nhau.
  3. Cho nước mắm vào đến khi nào nếm thấy được.
  4. (Thường với lượng như vậy sẽ làm được khoảng hơn nửa chén nước mắm chấm)
Muốn bát nước chấm có một màu đỏ đẹp mắt và tỏi ớt nổi:

Điều quan trọng là bạn phải chọn trái ớt vừa chín tới. Khi làm nước mắm thì phải băm ớt tỏi chứ không giã. Sau khi pha nước mắm với đường, chanh hoặc dấm tùy theo món ăn có vị chua ngọt hoặc tùy khẩu vị của gia đình, rồi mới cho tỏi, ớt đã băm vào.

Cách của mình rất dễ mà chấm cũng khá ngon: Một chén nước mắm + một chén đường +1/2 chén giấm (nước chanh) + 2 chén rưỡi nước ấm + tỏi và ớt băm.

Mách nhỏ:
 
- Có những gia vị cần phải qua sơ chế trước khi dùng để khử vị chát, đắng chẳng hạn như gừng.
- Nếu bạn pha nước mắm với nước ấm thì nước chấm sẽ ngon hơn.

Mỗi loại thức ăn lại có kiểu pha riêng biệt, mời các bạn cùng tham khảo và chia sẻ nhé!
1. Nước chấm bánh cuốn (1 gói bột bánh cuốn):
  • 300ml nước lọc
  • 25g đường
  • 15ml nước mắm
  • ớt bămít dấm nêm sau cùng cho vừa độ chua
Nếu thích ăn nước mắm ngọt kiểu Nam thì dùng 50g đường và 50ml nước mắm trong công thức và bỏ dấm.
Nước chấm bánh cuốn pha sẵn ngoài hàng màu nhạt là vì bỏ ít nước mắm. Nếu thích đậm hơn có thể tăng lượng nước mắm trong công thức lên 30ml.

2. Nước chấm nem rán (chả giò):
  • 200ml nước lọc
  • 2,5 thìa súp đường
  • 3,5 thìa súp nước mắm
  • 3 thìa súp dấm
  • 2 quả ớt cay, bỏ hạt, băm nhỏ
  • 1 nhánh tỏi băm 1/4 thìa súp hạt tiêu xay
Cũng có thể pha theo kiểu: 1 phần nước mắm + 3 đến 4 phần nước lọc + 1/4 phần đường + tỏi ớt băm nhỏ
Ăn kèm đồ chua.


3. Nước chấm chua ngọt:
Đun sôi 250g đường (có thể thêm nếu thích ngọt hơn) với 0,5l dấm gạo trên lửa nhỏ khoảng 15', hớt bọt nếu có. Dung dịch dấm đường này có thể đổ vào chai sử dụng nhiều lần rất thuận tiện cho nhiều món ăn khác nhau như sườn xào chua ngọt, cá sốt chua ngọt, pha chế nước chấm bún chả, bún nem ...

***ghi chú không thể thiếu là các loại nước chấm bún nên làm nóng trước khi ăn thì mới ngon, vì bún lạnh mà.

4. Nước chấm bún chả:

  • Lấy nước chấm chua ngọt nói trên một lượng vừa đủ ăn
  • Nước mắm
  • Nước sôi để nguội vào theo thứ tự và nêm nếm cho đến khi có vị vừa miệng
  • Tỏi băm nhuyễn
  • Hạt tiêu rang xay vỡ
  • Ớt băm bỏ hạt.

Cách khác (cầu kì hơn, nhưng ăn thấy cũng ngon hơn)

  • Nước dùng gà trong 250ml
  • Nước dừa tươi 150ml
  • Đường 150g
  • Nước hàng để tạo màu 60g
  • Muối: 10g: đun sôi, hớt bọt
  • Nước mắm: 60ml
  • Tỏi băm nhỏ 25g
  • Ớt tươi băm nhỏ 25g
  • Nước cốt chanh 100ml
  • Dấm gạo 50ml
  • Hạt tiêu rang thơm xay vỡ: 10g

Cách khác nữa:

  • 1 dấm
  • 3/4 - 1 đường
  • 1/2 mắm
  • 2 nước lọc (nước đun sôi để nguội)

Có thể bớt chút dấm đi và vắt chút chanh/quất cho thơm thơm, gần ăn thì đập tỏi, ớt đập dập băm nhỏ và rắc chút hạt tiêu vào. Hoặc là ngâm tỏi ớt trong nước dấm trước một lúc rồi mới pha chế các thứ khác

Ở hàng bún người ta hay cho ít nước mắm mà thay vào đó là nước hàng để tạo màu.

Ăn bún chả kiểu Bắc thì cho thêm vào nước chấm đu đủ xanh. Đu đủ cắt vuông hoặc tỉa hoa cho đẹp, bóp muối sơ rồi lấy nước sôi dội qua, vắt khô thả vào bát nước chấm, nếu ko vội có thể ngâm với dấm trước 10 - 15' thì sẽ giòn hơn.

5. Nước chấm thịt xá xíu (khoảng 500g thịt):
  • 1/2 bát ăn cơm nước mắm ngon
  • 1 thìa súp đường
  • 5 tép tỏi băm
  •  5 quả ớt cay bỏ hạt, băm nhỏ

6. Nước sốt chấm nem cuốn (gỏi cuốn):
  • 1 củ hành khô phi thơm
  • 8 thìa súp Hoisin sauce (tương ăn phở)
  • 1 thìa cafe bơ lạc
  •  1 tí muối
7. Nước sốt bơ lạc chấm thịt bò satay:
  • 300ml nước cốt dừa
  • 8 thìa bơ lạc
  • 1/2 củ hành tây nhỏ băm nhuyễn
  • 2 thìa đường thốt nốt
  • 1/2 thìa cafe ớt bột
  •  1 thìa nước tương
Tất cả đun sôi trên lửa vừa, giữ ấm trước khi ăn.

8. Nước mắm tỏi ớt:
  • 3 thìa súp nước sôi khuấy tan
  • 3 thìa súp đường
  • 2 thìa súp nước mắm
  • Tỏi, ớt băm nhỏ  
  • 1/4 quả chanh vắt lấy nước.

9. Nước chấm bánh bột lọc:
Dầm nát quả ớt trong chén nước mắm và pha vào đó ít nước chanh vắt

Nếu thấy vị nước mắm gắt quá thì tùy ý thêm chút nước lọc và đường vào.

10. Nước chấm bánh bèo:

Dùng nước vỏ tôm để chế biến.

  • Vỏ của 200g tôm (thịt tôm thì làm ruốc tôm rồi)
  • 2 bát nước nấu sôi nhỏ lửa 5-7 phút, lọc qua rây, lấy phần nước trong
  • 1 thìa nước mắm, để yên cho nước lắng đọng rồi gạn lấy nước trong lần hai,
  • Thêm khoảng 1/3 thìa cafe muối cho đậm rồi từ từ nêm thêm tí đường, nước chanh vắt cho vừa chua ngọt nhẹ, cuối cùng cho ít nước tỏi ép và ớt cắt nhỏ.

Hoặc không muốn cầu kì thì dùng công thức:

  • 1 phần nước mắm
  • 1 phần đường
  • 1 1/2 phần nước
  • 2/5 dấm gạ.

11. Nước chấm thịt vịt:

  • 4,5 thìa súp nước mắm
  • 5 thìa súp đường
  • 1 thìa súp gừng gọt vỏ băm nhuyễn
  • 1-2 thìa cafe tỏi băm
  • 1-2 thìa súp nước lọc
  • Ít nước chanh vắt cho hỗn hợp có vị chua nhẹ

12. Nước chấm bò bía:

  • 1 phần tương đen (Hoisin-sauce)
  • 1/2 phần tương ớt,
  • Rắc thêm ít lạc/đậu phộng rang, bỏ vỏ, giã dập lên mặt bát nước chấm

13. Nước chấm ốc:

  • 2 thìa nước mắm ngon
  • 1 thìa nước sôi để nguội
  • 1 thìa nước cốt chanh
  • 2 thìa đường. Khuấy tan rồi cho thêm gừng, ớt, tỏi băm thật nhỏ

14. Chấm sò huyết:

  • Muối rang
  • Hạt tiêu rang

15. Chấm ngao:

  • Đường
  • Gia vị
  • Tương ớt
  • Chút nước cốt chanh

16. Chấm cua, ghẹ:

  • Đường
  • Một chút nước mắm
  • Quả quất vắt nước, vỏ quất thái nhỏ cho luôn vào nước chấm. Khi ăn thì ăn cả vỏ quất cho khỏi tanh.

Nước mắm chanh - ớt chấm các món luộc, cá rán
nước chanh + ớt thái khoanh tròn nhỏ vào ngâm 15 phút. Sau đó cho nước mắm ngon vào. Nếu nước mắm mặn thì pha một chút nước lọc, thêm chút đường.


17. Mắm tôm – chanh - ớt chấm chả cá, thịt chó, đậu phụ rán
Cho đường, nước cốt chanh vào đánh kỹ với mắm tôm tới khi nổi bọt trắng mịn thì cho thêm ớt tươi thái khoanh nhỏ vào trộn đều. Nếu mắm tôm bị mặn có thể cho thêm chút nước sôi.

18. Nước chấm các món nem rán, chả nướng, bánh tôm, bún bò khô…
Cần có đủ các vị chua – cay – mặn – ngọt.
Băm nhỏ tỏi, ớt ngâm giấm khoảng 30 phút. Hòa nước sôi để nguội với đường, rót từ từ nước mắm vào. Cuối cùng đổ bát giấm, ớt, tỏi hòa cho đều. Tỏi ớt sẽ nổi lên mặt bát nước chấm trông đẹp mắt.

Tỷ lệ các thành phần để bát nước chấm có các vị chua – cay – mặn – ngọt cân đối:

  • 30g giấm,
  • 30g đường,
  • 30g nước mắm,
  • 100g nước lọc, tỏi ớt vừa đủ sẽ được khoảng một bát ăn cơm nước chấm.

Nước sốt chấm các món tẩm bột rán có thể mua sẵn loại đóng chai hoặc tự pha theo cách sau
Cùng một loại nước chấm chua – cay – mặn – ngọt như trên, nhưng nếu để chấm với các món bao bột như tôm bột rán, cá tẩm bột rán, đùi ếch tẩm bột… thì bạn chỉ cần giảm lượng nước xuống còn 50g, sau đó hòa chút xíu bột đao, đem đun sôi

Tổng hợp, Đinh Huyền
Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Cách nấu nướng

Đang tải dữ liệu loading