Món ngon không thể thiếu trong mâm cỗ giao thừa

Thứ Năm, 12/01/2012 02:50

3,460 xem

0 Bình luận

(0)

1906

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nên hầu hết các gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ để cúng gia tiên và đất trời cầu mong một năm mới an lành hạnh phúc.
Bữa cơm này bắt đầu sau khi cúng giao thừa, đốt giấy tiền vàng bạc. Cả nhà tề tựu ăn chung, coi như cùng hưởng lộc trời đất ban tặng đầu năm. Các món trong mâm là thực phẩm vừa mới cúng giao thừa xong. Thường có gà trống luộc, xôi gấc, bánh chưng, dưa hành, canh giò heo...

Món thường thấy trong bữa cơm gia đình sum họp đầu năm và cũng là mâm cơm cúng ngày mùng 1 của người Bắc là bóng (da heo khô) xào đậu cô ve súp lơ và nấm hương, măng hầm chân giò hoặc gà, gỏi su hào, gà luộc, bánh chưng dưa món; miền Nam là thịt kho dưa giá, bánh tét dưa chua, canh khổ qua dồn thịt hầm, gà luộc xé phay; miền Trung là món bánh hỏi và thịt muối cuốn bánh tráng, bì cuốn rơm, thịt kho măng khô, canh khổ qua dồn thịt ba rọi hoặc tàu hũ nấm, thơm hoặc đậu que xào thịt bò.

Ngày tết, nhà nào cũng làm mâm cỗ tết cúng tất niên, bữa cơm đón năm mới, cúng giao thừa. Trong nhiều thức của mâm cỗ Tết, không thể thiếu con gà luộc, đĩa xôi gấc, các thức nấu như món măng.....

1. Gà cúng giao thừa

Để có một con gà cúng đẹp, người nội trợ cần chọn gà rất kỹ: con gà (sống hoặc mái tơ) mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ (gà ri) gà nặng từ1,2 kg- 1,4 kg là vừa, gà to quá bầy không đẹp, thịt kém ngọt nhiều xương.

Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới cắt tiết. Làm gà cũng phải công ph hơn gà làm các món khác, trước tiên vặt lông ở dưới tai gà, dùng dao sắt cắt một nhát (không cắt quá sâu đứt cả cổ gà, ra ít tiết sẽ bị thâm đen) hứng tiết vào bát cho thêm một chút nước cho xốp. Khi cắt tiết không cầm quá chặt ở phần đầu làm tụ máu, đầu gà bị đen, khi gà chảy hết tiết mới bỏ vào chậu, nếu gà chưa chết hẳn gà sẽ đập mạnh cánh bị gãy không tạo được con gà đẹp.

 

Gà luộc cúng giao thừa

Nhúng gà vào nước nóng khoảng 70 độ C (pha 4 phần nước sôi 1 phần nước lạnh) nếu nước sôi 100 độ C, gà non dễ bị rách da. Nhổ sạch lông, bóc màng chân, bóc vỏ sát muối toàn thân để tẩy hết mùi của lông, rửa nhiều lần cho sạch.

Mổ gà phải mổ moi: cắt đứt đoạn da ở diều, lôi diều và cuống họng ra, cắt ngang bụng dưới cách hậu môn 2-3 cm (vết cắt dài khoảng 4 cm), lấy nội tạng ra, khoét hậu môn để lòng rời khỏi thân gà. Sau đó làm lòng sạch để ráo nước. Dùng lạt buộc cổ giữa hai cánh gà, định hình như gà còn sống cổ vươn cao, hai cánh xoè như hai cánh tiên, đôi chân cài vào trong bụng cho gọn.

Luộc gà phải chọn nồi sâu lòng, cho nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C(để hạn chế nước trong thịt gà không bị tiết ra nước, giữ độ ngọt của thịt gà), cho muối gừng hành đập dập, rồi cho gà vào luộc. Lưu ý đặt gà nằm sấp khi chín mới đẹp. Đậy vung đun lửa vừa , khi bắt đầu sôi, hạ nhiệt độ nước sôi lăn tăn, cho tiết lòng vào luộc. Khi gà nổi lên, nước có nhiều váng béo, dùng tăm xiên thử vào đùi gà, thấy nước tiết ra không đỏ là gà đã chín. Vớt ra nhúng gà vào nước đun sôi để nguội, rửa sạch da gà, để ráo nước. Xoa một chút mỡ gà tạo da gà: béo vàng mọng (để lâu da không bị co nhăn nheo).

Đặt gà lên đĩa to, tháo dây bầy ngay ngắn, mỏ cài bông hoa hồng đỏ rực ( tiết, lòng bầy dưới bụng), bầy thêm một đĩa muối tiêu, chanh ớt thái mỏng và một ít lá chanh thái chỉ cho thêm phần hấp dẫn.Làm được con gà như ý cả gia đình rất vui, yên tâm đón một năm mới tốt đẹp.

 

2. Xôi gấc


Màu đỏ của xôi gấc đem lại may mắn cho năm mới
 
Ngày Tết, đĩa xôi gấc có màu đỏ rực rỡ, mang lại nhiều may mắn nên xôi gấc thường là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng giao thừa từ lâu đời.
 
Nguyên liệu: (3 đĩa)
  • Gạo nếp 1000 gam,
  • Gấc chín đỏ (một quả to khoảng 500 gam),
  • Mỡ gà 50 gam,
  • Đường kính 100 gam,
  • Muối (một thìa nhỏ),
  • Rượu trắng (một chén con).
 
Cách làm
 
- Gạo nếp chọn loại nếp cái, hạt trắng ngà, mẩy đều, không lẫn gạo tẻ, không có hạt mốc đen, không có trấu và mọt, cắn hạt gạo giòn tan, không có vị đắng vị lạ, ngửi thơm đặc trưng của gạo nếp mùa mới. Gạo nếp vo đãi sạch, ngâm từ 6- 8 giờ vớt ra dội lại nước lã, để ráo nước cho muối trộn đều.
 
- Gấc chọn quả chín đỏ tươi vỏ mỏng gai thưa (còn gọi là gấc nếp) bổ đôi lấy ruột, cho 2/3 số rượu vào đánh nhuyễn, rồi trộn với gạo.
 
- Đặt nồi đồ xôi lên bếp (đổ nước nửa nồi đáy), khi nước bốc hơi, đổ gạo từ từ nhẹ tay, đậy kín đun to lửa khoảng 40 -45 phút, hạt xôi nở mọng và trong , gấc chuyển sang màu đỏ vàng là xôi chín. Cho đường vào và vẩy nốt số rượu còn lại vào đảo đều, đậy vung đun tiếp khoảng 5 phút nữa để đường tan ngám vào xôi.
 
- Bắc ra nhặt hạt gấc bỏ đi, đơm vào đĩa hoặc nén vào khuôn tuỳ ý.

3. Giò xào

Có cách làm khá đơn giãn, chỉ sử dụng phần thịt tai, mũi heo xào chín và gói chặt, giò xào là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của mọi nhà.

Nguyên liệu:
  • 800gr thịt thủ hoặc thịt chân giò cho thơm vì làm thịt thủ phải cạo kỹ, không thì sẽ có mùi hôi. Nếu là chân giò thì phải lọc xương lọc xương, xẻ đôi.
  • 1 cái tai lợn,
  • 1 cái lưỡi lợn làm sạch, luộc luôn cùng chân giò.
  • Nấm hương,
  • Mộc nhĩ,
  •  Hạt tiêu sọ.
Cách làm:
  •  Có 2 cách:
- Thứ nhất là đem thịt chân giò, lưỡi lợn, tai lợn luộc lên cùng nhau, chỉ luộc chín sơ rồi mới thái mỏng.
- Cách thứ hai là thái luôn các nguyên liệu trên từ đầu và xào luôn.
  • Nếu bạn chọn cách luộc trước thì đầu tiên làm như sau:
Chân giò luộc gần chín rồi mới thái cho dễ.
Lưỡi lợn và tai lợn làm sạch rồi luộc chung với chân giò. Khi luộc cho 2 thìa gia vị để thịt có vị đậm đà.
Luộc xong để nguội hoặc lạnh càng dễ thái mỏng. Phải dùng dao thật sắc, thái mỏng các thứ thịt, tai, lưỡi ra, trộn lẫn.
Còn nếu bạn thái thịt, tai và lưỡi từ đầu thì ướp với gia vị hạt tiêu cho ngấm và thơm rồi mới đem xào.
  • Tiếp theo là công đoạn chung cho cả hai cách làm:
Mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, nước mắm ngon: nhiều ít tùy khẩu vị. Ngâm rửa nấm hương mộc nhĩ, thái to.
Bắc bếp, dùng chảo chống dính loại to để xào. Cho lẫn cả thịt tai lưỡi vào, cho 3 thìa canh nước mắm, nếu dùng nước mắm khác mặn hơn phải cho từ từ không sẽ bị mặn.

Để lửa to lúc đầu, khi nào thịt kêu lèo xèo hơi bốc nghi ngút trên chảo thì giảm cho lửa vừa vừa thôi, đảo đều tay, thịt mà mỡ quá khi mình xào nhỏ lửa thế này nó sẽ ra bớt mỡ.

Lúc này có thể nếm đầu đũa xem độ mặn vừa chưa, nếu còn nhạt rắc thêm ít hạt nêm cũng được rồi đảo tiếp.

Độ 10' -12' khi thấy miếng thịt cong lên, có độ kết dính thì bỏ mộc nhĩ + nấm hương vào, vặn lửa to hơn, xào nhanh tay hơn vì mộc nhĩ nó vào nó dính.

Mộc nhĩ nấm hương phải chín nhé, vừa cho vào mà lấy ra ngay nó chuồi chuội không kết dính với thịt.
Rắc nhiều hạt tiêu, đảo kỹ lại rồi tắt bếp.
 
 
Xong rồi, nếu có khuôn giò xào thì bỏ vào rồi vặn ốc vít cho chặt. Nếu không thì có nhiều cách tự chế khác rất hữu dụng như: nhồi vào cái cặp lồng inox, lèn thêm nhét thêm thịt mãi cho đến đầy, chèn cái nắp cặp lồng vào rồi lấy dây vải quấn chặt xung quanh mấy chục vòng hoặc cho vào vỏ chai nhựa đục lỗ, vỏ hộp sữa to cũng  được...
 
Nhớ là khi xào thịt xong bạn phải cho vào khuôn ngay khi còn nóng nhá, nguội là nó mỗi miếng đi một nơi sẽ không kết dính thành cả cây giò đâu.
 
Sau khi gói chờ 3 - 4 tiếng cho giò nguội hẳn mới lấy ra cho vào tủ lạnh.
 
 
 Và một số món khác bởi mỗi gia đình có những món riêng biệt. Bạn có thể chia sẽ mâm cỗ ngày tết của gia đình bạn cho Amthuc365.vn và độc giả được biết chứ?
Tổng hợp, Bảo Thanh
Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading