Bánh răng bừa - món ngon ngày Tết

Thứ Hai, 16/01/2012 05:07

3,228 xem

0 Bình luận

(0)

4648

Ngày Tết, những món ăn nhiều dầu mỡ và các loại bánh nếp dễ làm cho người ta thấy ngán, ngấy. Nhưng khi bóc một cái bánh tẻ, cắn miếng bánh xanh mát thì bao nhiêu cảm giác ngán ngấy biến đi đâu mất, nhường chỗ cho sự tận hưởng, ăn mãi không chán.
Mâm cơm ngày Tết của người dân quê tôi (Tiên Tân, Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội), bên cạnh thịt nấu đông, măng gà, bánh chưng, xôi gấc truyền thống còn có thêm một món bánh rất ngon được làm từ gạo tẻ mà nếu như thiếu nó, một góc ngày Tết sẽ không còn. Ấy là bánh tẻ.

alt
Nguồn ảnh: xinhxinh

Tết năm nào cũng thế, đến chiều 29, khi các loại bánh khác đã gói xong xuôi thì bà tôi lại tất tưởi đi mua hành lá, mộc nhĩ, thịt ba chỉ - những nguyên liệu chính để làm bánh tẻ.

Kỳ công

Bánh tẻ, có nơi gọi là bánh răng bừa, vì có hình dáng giống cái răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

alt
Nguồn ảnh: naungon

Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội), bánh tẻ ở Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi là bánh răng bừa). Ở Mỹ Đức, Hà Nội cũng có bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.

Để làm được những chiếc bánh ngon, bà tôi rất kỳ công ngay trong khâu chọn gạo. Gạo làm bánh tẻ phải là tẻ quê, hạt dài đều, trắng trong thơm mùi gạo mới và phải loại bỏ các hạt mốc, có nhiều cám bong ra.

Sau khi chọn được gạo, bà khệ nệ bê nong gạo ra sân, tỉ mẩn nhặt tiệt những hạt sạn, hạt thóc để khi làm bánh, bánh được nguyên chất nhất. Gạo sau khi được lựa chọn kỹ càng sẽ được vo thật sạch rồi đem ngâm vào nước lạnh trong vòng 12 tiếng cho hạt gạo nở. Lá làm bánh tẻ là các loại lá chuối, lá dong ở vườn nhà, thậm chí là những tấm lá chuối khô bà đã “huy động” đàn cháu xé ở vườn từ vài tháng trước.

Ngay từ sáng, bà tôi dậy sớm, ra vườn cắt hết những chiếc lá dong bánh tẻ (không non không già), rọc những tàu lá chuối còn đọng sương, đem về rửa sạch, xếp vào rổ. “Lá chuối tươi nếu được hơ qua than hồng cho mềm lại, khi gói bánh, bánh sẽ có mùi thơm và cũng dễ gói hơn”, bà giải thích cho lũ cháu đang xúm lại xem bà làm. Gạo ngâm qua một đêm đến sáng hôm sau đã mềm lại, bà bảo tôi đem gạo đãi thật sạch, đổ ra xô nhựa sau đó mang ra xay thật mịn. Mọi thứ đều phải kỹ càng, tỉ mỉ như thế.

Khi tôi xách xô gạo về nhà cũng là lúc bà đã nhóm xong bếp lửa. Bà ngừng thổi lửa, đổ xô bột trắng tinh vào nồi, dùng đũa cả khuấy đều tay cho đến khi bột gần chín ngả sang màu trắng đục thì rút bớt củi, để nồi bột om trên bếp.

Chứa chan tình quê

alt
Nguồn ảnh: xinhxinh

Trước đó, hành lá mua về đã được bà rửa thật sạch, nhặt hết bỏ lá sâu, già. Những cánh mộc nhĩ cũng được bà tỉ mỉ ngâm vào nước ấm cho nở to ra, cắt hết chân rồi rửa sạch, thái chỉ xếp riêng ra bát.

Thịt ba chỉ băm nhỏ tẩm ướp gia vị được cho vào chảo, bắc lên bếp đảo qua, nêm chút nước mắm, mì chính, hạt tiêu khi thịt gần chín thì cho hành và mộc nhĩ vào xào chung. Khi nào thấy dậy mùi thơm ngào ngạt của thịt, hành là nhân bánh đã xong.

Cả nhà xúm xít trên cái chiếu trải trước thềm nhà, mỗi người một việc, mấy đứa trẻ nối dây, bà và mẹ gói bánh, các chị chuẩn bị xoong nồi, bếp núc để bắt đầu luộc mẻ bánh mới làm… Những chiếc bánh gói xong được xếp gọn vào nồi nhôm lớn, đổ nước ngập lưng bánh, đun lửa to đượm đến khi cháy hết một nén nhang thì bánh chín.

Ngày Tết, những món ăn nhiều dầu mỡ và các loại bánh nếp dễ làm cho người ta thấy ngán, ngấy. Nhưng khi bóc một cái bánh tẻ, cắn miếng bánh xanh mát thì bao nhiêu cảm giác ngán ngấy biến đi đâu mất, nhường chỗ cho sự tận hưởng, ăn mãi không chán. Bánh tẻ thường chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay hoặc chấm với tương. Ở một số nơi thực khách còn dùng thêm món chả gà và một ít dầu cà cuống cho vào nước mắm để tăng thêm hương vị của bánh.

Chỉ từ những thứ gạo, lá nhà trồng được, không biết ai đã sáng tạo nên món ăn giản dị, giản dị ngay từ cái tên bánh tẻ ở quê tôi.

Sưu tầm

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading