Đặc sản ở chợ đêm Kỳ Lừa

Thứ Sáu, 17/02/2012 01:35

6,250 xem

0 Bình luận

(0)

1485

Khi bạn đến với Lạng Sơn bạn có dịp được đến với chợ đêm Kì Lừa và thưởng thức những đặc sản nơi đây. Chúng ta cùng khám phá nhé!

Lạng Sơn vào đêm, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã dừng những hoạt động thường ngày để bước vào đêm của chợ Kỳ Lừa, của sự sôi động và tấp nập. Chợ Kỳ Lừa mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch là nét sinh hoạt văn hoá cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc. Thiên nhiên và con người hòa quện với nhau tạo nên một không gian mờ ảo, nhộn nhịp đặc trưng vùng sơn cước. Trong đầu tôi bỗng hiện lên suy nghĩ, nếu có một nơi đẹp thế này ở Hà Nội, chắc đường phố Hà Nội sẽ bớt tắc, bởi người dân đã đến đây ngắm cảnh hết rồi. 

Những năm trước đây, chợ Kỳ Lừa là chợ chính của thành phố Lạng Sơn, không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao. Hàng hóa ở đây chủ yếu là những mặt hàng sản xuất trong nước như vải, quần áo may sẵn, chăn màn, giầy dép, đồ dùng gia đình và sản phẩm nông - lâm thổ sản như: mật ong, hoa hồi, đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm. Chợ đã tạo điều kiện mở rộng thu hút nhiều thương nhân, du khách trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường, tìm hiểu xúc tiến đầu tư, tham quan, du lịch, nhất là vào những ngày cuối tuần, hàng nghìn người mua bán nhộn nhịp. Xe cộ, người qua lại tấp nập tất cả đều hướng về chợ truyền thống Kỳ Lừa.

Chúng tôi bị thu hút bởi hương thơm ngào ngạt của những món ăn hấp dẫn nơi đây. Chợ, luôn là nơi hội tụ của những nghệ thuật ẩm thực giàu truyền thống. Xứ Lạng, vẫn được biết đến bởi: Lợn quay, vịt quay với hương vị lá mác mật; khâu nhục, bánh cống phù và đặc biệt là rượu Mẫu Sơn… Chợ cũng dần phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập, với những món ăn mới.

Vịt quay, lợn quay

Vịt quay và lợn quay Lạng Sơn có thể coi là món cỗ sang trọng trong dịp cưới của người Xứ Lạng. Vịt quay muốn ngon phải là giống vịt bầu Thất Khê. Giống vịt này vừa béo, vừa dầy thịt, xương nhỏ, thịt mềm. Từ kỹ thuật sơ chế tẩm ướp gia vị đến lúc quay để vịt vừa chín tới, tỏa mùi thơm ngậy của thịt vịt và lá mác mật, da vịt căng bóng, có màu vàng sẫm của mật ong là bí quyết riêng của người xứ Lạng. Miếng thịt vịt chặt ra nóng sốt bốc khói, vừa mềm vừa béo, cắn ngập chân răng với mùi vị đặc trưng đấy mới đích thực là vịt quay ngon. Người xứ Lạng ăn vịt quay không chấm nước mắm hay xì dầu mà tự chế một loại nước lủ có đủ vị ngọt, chua, mặn, cay, thơm. Vịt quay có thể ăn cùng với bún và các loại rau diếp, rau thơm, rau xà lách.

Khác với các nơi, thịt quay xứ Lạng được nhồi lá "mác mật" cùng với kỹ thuật quay đã tạo nên hương vị riêng. Lá "mác mật" thường mọc ở trên các núi đá, có mùi thơm đặc biệt, ăn ngọt, có vị chua mát, đem ngâm với ớt, tỏi, chanh rừng thành một món gia vị quý, thưởng thức một lần thật khó quên.

Người ta thường chọn loại lợn nạc từ 25 đến 50 kg để quay. Sau khi mổ, lấy giấy bản thấm khô phía trong (nếu rửa nước, thịt sẽ bở hoặc nhão, không săn, mất hết vị thơm ngọt và bùi), nhồi lá mác mật vào bụng con lợn cùng các gia vị khác rồi khâu lại. Sau đó dùng một cây tre thẳng, rửa sạch xuyên dọc con lợn từ mõm tới đuôi, gác lên hai chạc cây ở hai đầu, bên dưới là đống than củi. Quay lợn không để gần lửa quá dễ nứt da. Mọi người thay nhau quay, vừa quay vừa xoa một loại nước tổng hợp gồm mật ong, gia vị do họ chế biến để giòn bì và khỏi nứt. Người ta vừa quay vừa dùng khăn lau mỡ chảy ra, độ vài ba tiếng đồng hồ tùy con lợn to hay nhỏ.

Muốn xem thịt lợn đã chín hay chưa, dùng một que sắt nhỏ chọc vào con lợn thấy nước rỉ ra mầu sẫm là được. Lợn quay đã chín bì vàng đều từ đầu đến chân, tỏa mùi thơm của bì giòn, của thịt chín và của lá thơm, mùi vị rất hấp dẫn. Thịt quay kiểu này ăn rất ngọt vì nước trong thịt không bị mất đi. Miếng thịt lợn quay ngon là thịt vừa chín tới, bì vàng rộm, giòn tan. Khi mua thịt lợn quay, chớ quên lấy nước sốt trong bụng lợn quay. Hương vị thơm ngon đều tập trung ở đây, cùng với mùi vị đặc biệt của lá "mác mật" nhồi bên trong.

Phở Lạng

Nếu kể về phở, ngoài các loại phở thông dụng như nhiều nơi khác, xứ Lạng còn có hai món phở rất đặc biệt là phở vịt quay và phở chua. Phở chua được làm bởi bánh phở tươi thái nhỏ (phải thật nhỏ, bánh dai sợi mới ngon) được trộn với các loại gia vị, thịt xá xíu, lạc rang giã nhỏ, trứng vịt luộc bổ tư và nước lủ. Thêm vài cọng rau mùi tàu, mùi ta, vài lát ớt đỏ tươi rắc trên đĩa, bạn đã có một món điểm tâm rất ngon, ăn không bị ngấy bởi vị chua ngòn ngọt, cay cay, bùi bùi rất thú vị. 

Còn phở vịt ở xứ Lạng, được ăn kèm với măng chua ngâm với ớt, tỏi và "mác mật" - một loại gia vị vào loại hảo hạng của Lạng Sơn. Nếu đã đến xứ Lạng, bạn đừng quên mua một vài lọ măng ớt về ăn dần hoặc làm quà. Măng ớt xứ Lạng cũng ví như mắm tôm chua xứ Huế, mắm nhót xứ Nghệ, nhân dân cũng đóng lọ, đóng gói bán nhiều ở chợ Kỳ Lừa, chợ phố Đồng Mỏ. Song cũng là măng ớt nhưng ăn măng ớt ở mỗi nhà hàng đều có hương vị riêng. Hẳn mỗi nhà hàng đều có bí quyết riêng.

Bánh cuốn trứng

Có một món ăn điểm tâm nữa rất Lạng Sơn là món bánh cuốn trứng ăn nóng. Kỹ thuật tráng bánh cuốn của người xứ Lạng cũng giống như một số địa phương khác có tập quán ăn bánh cuốn nóng. Không như bánh cuốn Sài Gòn nhiều nhân, ăn chung với chả giò, nem, giá trụng, rau thơm, hay như bánh cuốn Hà Nội lớp nhân mỏng và rắc lên trên ruốc thịt, rau kinh giới, bánh cuốn trứng Lạng Sơn chỉ đơn giản có trứng gà và một chén nước chấm là nước thịt kho.

Chiếc bánh cuốn Lạng Sơn được tráng trên một chiếc nồi khá lớn, đường kính dễ chừng 4 tấc. Khi chiếc bánh tráng trên nồi vừa chín, người ta giở nắp vung, đập vào chiếc vá và bỏ vào hai bên của chiếc bánh hai quả trứng gà, đậy nắp lại một chút, chờ vừa đủ cho lớp lòng trắng đục lại, dính vào mặt bánh, phần lòng đỏ lúc ấy chỉ vừa đủ chín một lớp áo bọc thật mỏng bên ngoài, giúp cho chiếc trứng không bị vỡ. Sau đó người ta dùng một chiếc đũa tre dẹp, chia chiếc bánh làm hai phần, khéo léo hất nhẹ các góc của nửa chiếc bánh xếp lại, phủ một phần của cái trứng nhưng không phủ kín, trông rất đẹp mắt và bày ra đĩa, rắc thêm một lớp thịt nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ.

Cảm giác thật ấm áp khi một lớp khói - hơi nước bốc lên từ nồi hấp cuồn cuộn nóng hổi. Người bán múc cho mỗi người một chén nước chấm cũng là nước thịt kho, với lớp nước mỡ thật dày. Ăn bánh cuốn trứng Lạng Sơn không thể gắp, không thể chấm mà phải chan nước chấm lên mặt, dùng muỗng múc thật khéo lòng đỏ của trứng. Tráng bánh cuốn cũng phải thật khéo léo để trứng không bị vỡ.

Theo Dulichtrongoi

 

 

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading