Bùi bùi, ngai ngái với Thắng cố Bắc Hà

Thứ Bảy, 18/02/2012 11:24

4,624 xem

0 Bình luận

(0)

3122

Một chút bùi bùi, ngai ngái, một chút thơm thơm, nồng nồng đầy quyến rũ, đó là Thắng cố, món ăn đặc trưng của người Mông vùng Tây Bắc.

Bắc Hà, Lào Cai đang ở những ngày rét mướt nhất trong năm. Mò dậy, mặc thêm cái áo khoác, cuộn thêm một vòng chăn mà vẫn thấy rét ghê gớm. Có thế mới thấy thương các đồng bào miền núi, mới thấy đêm Hà Nội lạnh thế vẫn chưa thấm vào đâu so với cái lạnh se sắt nơi đây.

Chợ huyện hôm nay vào phiên. Trên đường tới thị trấn khoảng gần chục km đã thấy người người già trẻ, gái trai đẹp lạ lùng trong những trang phục dân tộc đủ màu sắc. Chợ huyện một tuần họp một lần, chính vì thế mà bà con nơi đây nô nức lắm. Có lẽ, họ cũng chỉ cần đến đây vui chơi chứ cũng chẳng định mua sắm gì.



Người Mông mang đến chợ các vật phẩm "của nhà trồng được" để trao đổi, buôn bán

Chợ vùng cao choáng ngợp trong màu sắc khăn, áo, váy rực rỡ của những cô gái Mông. Những thứ được mang ra bày bán cũng đều là đồ tự sản xuất của người dân trong vùng, đó là lợn nuôi, chim muôi, váy áo, dao kéo và các bình rượu lớn. Chúng tôi bị thu hút bởi một quán ăn tỏa hơi nghi ngút mà tấp nập người vào ra. Hỏi ra thì biết đó là món Thắng cố, món ăn đặc trưng của các chợ phiên vùng Tây Bắc, món truyền thống của người Mông, thường được làm vào các dịp lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ hay chợ phiên. Thú vị hơn, nhiều người đến chơi chợ cho biết, mục đích của họ đến chợ hôm nay cũng chỉ vì “thèm” món Thắng cố này.

Thoạt đầu, nhìn bát Thắng cố nghi ngút khói nhưng “lổn nhổn” bên trong là những thứ nội tạng, nhiều du khách cũng cảm thấy không thích thú lắm, đôi ba người vui tính còn đưa mắt tìm lọ berberin trong chiếc ba lô du lịch. Nhưng nếu một lần can đảm thưởng thức, xin khẳng định rằng chuyến du lịch Tây Bắc của bạn sẽ có thêm một dư vị cực kì đáng nhớ.

Thịt nấu Thắng cố là thịt bò, thịt ngựa và thịt lợn. Các bộ phận như lòng, tim, gan, tiết, thịt được thái vuông quân cờ, cho vào đun nhừ trong một chiếc chảo rất lớn. Nồi Thắng cố sôi lục bục nổi lên những tảng thịt, tảng mỡ màu vàng nhạt trông thật hấp dẫn. Nồi nước dùng được đầu bếp người Mông chăm sóc rất chu đáo, từng muỗng bọt được múc ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Thêm vào đó là một vài loại thảo quả, quế, hồi và những thứ rau rừng xanh mát, tươi non nữa.

Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu, múc ra đến đó. Mỗi suất Thắng cố được để trong một chiếc bát cỡ đại, to tựa bát múc canh cho bốn người ăn của người xuôi. Thắng cố có vị béo, hơi ngậy ngậy, lại bùi bùi, nhưng cũng mang một chút mùi ngai ngái cùa nội tạng gia súc. Thưởng thức Thắng cố là sự thưởng thức của nhiều cung bậc cảm xúc. Bạn sẽ đi từ sự tò mò này đến tò mò khác, từ việc tại sao lại gọi là Thắng cố, nó được làm như thế nào và vị của nó ra sao đến những phân vân, đắn đo khi quyết định thưởng thức món ăn lạ lẫm này. Để rồi khi, bạn bị cuốn vào hương vị mê đắm của núi rừng bạt ngàn, của những người dân tộc chân thật, vô tư.

Người Mông thích dùng Thắng cố cùng với rượu ngô, cơm, xôi hoặc bánh Pà Pá - thứ bánh được làm từ bột gạo lên men. Giá của một bát Thắng cố cũng chỉ 20.000đ/bát.

Bây giờ, người Kinh, người Dao, người Tày cũng đều biết nấu Thắng cố, thậm chí nấu rất ngon. Nhưng dường như hương vị Thắng cố đặc biệt nhất, khiến thực khách nhớ lâu nhất vẫn là Thắng cố của người Mông, tộc người đã “khai sinh” ra món Thắng cố đầy độc đáo và thú vị, món ăn đã níu chân biết bao du khách gần xa ở cả trong và ngoài nước. Cái tên gọi Thắng cố cũng chỉ là cách gọi chệch đi của từ “nồi nước” mà tiếng Mông là “Thoảng cố”.

Hướng Dương - Amthuc365

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading