Chút gợi nhớ về mâm cơm truyền thống

Thứ Năm, 01/03/2012 03:12

40,527 xem

0 Bình luận

(0)

4838

Văn hóa ẩm thực Việt với những nét đặc trưng riêng biệt, trong đó mâm cơm gia đình là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, ẩn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, văn hóa Việt đã tồn tại và chắt lọc những tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác, để tạo nên một nền văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, văn hóa ẩm thực cũng trở thành một nét rất riêng của người Việt.

Văn hóa ẩm thực Việt với những nét đặc trưng riêng biệt, trong đó mâm cơm gia đình là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, ẩn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng.

Mâm cơm truyền thống

Người Việt coi ăn uống là cái lễ, cái phép, coi “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Có thể nói, ẩm thực chính là “chìa khóa vàng” để giải mã văn hóa Việt.

Bát cơm

Bữa cơm truyền thống của người Việt là biểu tượng của sự hài hòa cơm-rau-cá theo thuyết Tam tài, là biểu tượng của thiên địa giao hòa, hợp nhất. Trong mâm cơm của người Việt không bao giờ thiếu cơm trắng, thứ cơm được nấu từ gạo tẻ ngon ngọt, được trồng ra từ chính mồ hôi, công sức của những người nông dân, chịu thương, chịu khó. Hạt gạo tẻ đóng vai trò nuôi sống con người, nó thân thương, gần gũi, có vị của đất, của nước Việt Nam. Còn gạo nếp, chính là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt là phần cốt của những loại bánh truyền thống như bánh Chưng, bánh Dày… là tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo trong cách đối nhân, xử thế của mỗi người dân nước Việt. Có lẽ vì những điều này, mà cây lúa đã trở thành biểu tượng của Việt Nam, đất nước vốn phát triển từ nền văn minh lúa nước.

“Đói không rau như đau không thuốc”, bữa cơm Việt không khi nào thiếu rau. Rau giúp cân bằng âm dương trong cơ thể. Trong cơ thể người, nếu ví xương như đá núi thì mạch máu chính là nguồn nước, còn cây cối sẽ là sự sống, là sinh khí để con người tồn tại và phát triển bền vững. Người Việt ăn cơm với nước mắm làm từ cá và các loại thủy sản hay tương đậu tự làm, đó là một nét đặc trưng rất riêng mà chỉ Việt Nam mới có. Người Trung Quốc ăn cơm cùng xì dầu hay những thứ nước chấm tương tự, chứ không có mắm, có tương.

Văn hóa trong bữa cơm

Mỗi bữa cơm là mỗi lúc tình cảm gia đình thêm đong đầy, ấm cúng, là lúc các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Không giống với phương Tây ăn cơm theo suất, người Việt ăn cơm theo mâm để thể hiện tính đoàn kết, xôm tụ, luôn thương yêu, san sẻ ngọt bùi.

Trong mỗi bữa, mời cơm là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Người nhỏ tuổi hơn, trước khi ăn miếng cơm đầu tiên đều phải mời những người lớn tuổi, để tỏ lòng biết ơn ông bà, bố mẹ hay những bậc lớn tuổi đã cho mình cái ăn, cái mặc. Khi đó, những bậc lớn tuổi sẽ gật đầu trìu mến, và cả gia đình sẽ bắt đầu bữa cơm trong không khí vui vẻ, thân mật.

Đôi đũa

Người Việt ăn cơm theo “mùa nào, thức nấy – món nào, gia vị nấy”, “Con gà cục tác lá chanh – Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…”, đó là một nét thú vị dân dã mà không phải quốc gia nào cũng có. Cái y lí của bữa cơm Việt còn thể hiện trong những dụng cụ ăn uống. Người Việt yêu thiên nhiên, hòa đồng với cây cỏ, cho nên trong bữa cơm, người Việt dùng đũa chứ không dùng dao, dùng dĩa như người phương Tây. Đôi đũa chính là hiện thân của sự vẹn toàn, song cặp, là đôi mỏ chim Lạc trong lịch sử dân tộc, là đôi mái chèo khua nước ven sông. Đũa thường được làm từ tre, loài cây đã và luôn gắn bó với sự hình thành, phát triển của đất nước. Cầm đũa trên tay là chúng ta đang có trên tay một chuẩn mực văn hóa, từ sự chăm chỉ làm ăn đến chất anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Tính tổng hợp, cộng đồng trong cách ăn của người Việt thể hiện ngay ở cách thức bài trí mâm cơm. Người Việt ăn cơm trong mâm tròn, những thành viên trong gia đình ngồi quây quần lại thành một vòng tròn ấm cúng. Có lẽ không nhiều người để ý điều này, tuy nhiên nó lại chính là tính dân chủ, bình đẳng vốn có trong đời sống. Người Việt không thích ăn “trong bốn bức tường” mà thích một không gian rộng mở, thoáng mát. Nhớ một chút về ngày xưa, mỗi khi chiều tối, nhà nhà lục đục chuẩn bị mâm cơm, mâm được đặt ở giữa chiếu, ngoài hiên nhà, gió chiều thổi nhẹ nhàng khiến lòng trời và lòng người thoải mái.

Thay một lời kết

Ngày nay, trước sự xô bồ của cuộc sống, mọi người đều bận rộn với những công việc của riêng mình, sự quây quần của bữa cơm gia đình dường như không còn nữa. Các món ăn cũng dần thay đổi, dụng cụ ăn, cách bài trí cũng đều có những biến hóa theo thời đại. Tuy nhiên, nhìn lại những nét văn hóa truyền thống trong bữa cơm, hiểu được những ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp có liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày, hi vọng mỗi người trong chúng ta sẽ nhớ hơn về văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt, nhớ hơn về những nét đầm ấm rất riêng mà chỉ trong bữa cơm của người Việt Nam mới có, để mỗi thành viên trong gia đình thấy yêu thương và gắn bó với nhau hơn.

PV - Amthuc365

Danh mục bài viết Bếp xưa

Đang tải dữ liệu loading