Nhớ mãi hương vị canh lá đắng xứ Thanh

Thứ Tư, 07/03/2012 01:20

2,988 xem

0 Bình luận

(0)

4652

Có dịp đến Thanh Hóa, du khách đừng quên thưởng thức đặc sản canh đắng đậm đà hương vị núi rừng của người dân tộc thiểu số miền núi.

Vị đắng nhớ đời

Mùi vị của món canh này không dễ gì bạn quen ngay. Nhưng nếu  bạn nếm thử nó một vài lần, thì có thể sẽ ao ước mãi cái hương vị kỳ lạ cuốn hút như thôi miên. Người miền Nam đã quen với canh khổ qua (mướp đắng), nhưng canh đắng của người xứ Thanh còn đắng hơn bội phần. Bát canh có đầy đủ vị cay đắng, ngọt bùi…, trong đó đắng là chủ đạo.

Vị đắng nhớ đời của núi rừng xua tan cái ngấy ngán của bữa tiệc ê hề thịt cá, giúp dòng máu ấm dần lên trong huyết quản giữa ngày đông giá lạnh. Đến mùa hè nóng nực, bạn húp bát canh đắng cũng thấy tỉnh hẳn người, bao mệt mỏi dường như tan biến.

Mô tả ảnh. Canh và lá đắng còn là món ngon vị thuốc của đồng bào vùng cao Thanh Hóa

  Để nấu món canh này, không thể thiếu lá đắng. Đây là một loại cây mọc tự nhiên ở trong rừng, lá có hình dáng giống lá sắn (khoai mì), từ cuống chính tỏa ra nhiều nhánh lá phụ. Không phải loại lá đắng nào cũng có thể cho bát canh ngon. Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc thiểu số ở đây, họ thường chọn hái loại lá dài và mỏng.  Ngày nay, để tiện dụng lá đắng thường được người ta hái về, phơi khô rồi xé nhỏ. Khi nấu canh họ chỉ cần bốc lấy một nhúm lá bỏ vào nồi. Nhưng nấu canh với lá đắng tươi mới là ngon nhất. Từng nhánh lá xanh mướt còn nguyên nhựa sống, vị đắng của nó dường như cũng tươi mới và ngọt ngào hơn nhiều.

Canh đắng hợp nhất là nấu với lòng bò, lợn hoặc thịt thú rừng băm nhỏ. Lá đắng cũng được băm nhỏ trộn cùng lòng, thịt, thêm một chút củ riềng, sả, cơm mẻ, một muỗng mắm tôm ngon...  Nếu thích, người nấu có thể điểm vào một mớ lát cây chuối non xắt mỏng như lá mạ. Rồi bóp tất cả cho thật đều với nhau, ướp trong khoảng 15 phút. Đun lửa nhỏ, bắc nồi lên bếp đảo đều. Lửa vừa bén vào, mùi thơm của riềng sả, mắm tôm dậy lên đã khiến bụng dạ cồn cào. Đầu bếp cứ để cho nồi canh ngấm gia vị, sôi liu riu trên bếp lửa chừng vài phút rồi đổ thêm vào vài bát nước. Khi nào nồi canh sôi bùng lên, khuấy vào thấy sền sệt là được.

Vừa ngon vừa bổ

Nồi canh sóng sánh mỡ vàng, ẩn hiện những miếng lòng, miếng sụn quyện với nhúm lá đắng xanh đen, điểm thêm vài trái ớt hiểm đỏ tươi như hoa nở trên mặt đất nâu cằn cỗi. Hương thơm tỏa ra thoang thoảng, có vị nhân nhẫn của lá cây, dìu dịu chua của mẻ, phảng phất chút ngầy ngậy thơm thơm của mỡ, thịt thật quyến rũ. Món này bạn phải thưởng thức ngay khi nóng, phải bưng bát nóng bỏng tay vừa thổi vừa húp, để làn hơi nghi ngút và mùi thơm quyến rũ xộc vào mũi mới cảm nhận được hết cái ngon.

 Chạm vào chóp lưỡi đầu tiên là vị đắng đến tê người, rồi dần dần đến cái béo bùi của thịt thà, thơm lừng của sả bằm... cả vị cay xè của trái ớt hiểm mọc dại trên đồi. Đắng, nhưng khi miếng ăn trôi qua cổ họng, còn vương vấn lại trên môi là vị ngọt thật lạ lùng. Húp hết bát canh nóng đến mềm môi, mồ hôi thực khách sẽ vã ra như tắm, người thêm tỉnh táo, khỏe khoắn hẳn ra. Canh đắng còn trợ tiêu hóa, ngừa cảm mạo.

Sưu tầm

Danh mục bài viết Món ngon Thanh Hóa

Đang tải dữ liệu loading