Đặc sản tuổi thơ Tôi

Thứ Bảy, 07/04/2012 11:06

3,025 xem

0 Bình luận

(0)

2605

Xa rồi, tuổi thơ với bao nhiêu kỉ niệm khó quên. Những kỉ niệm ấy nay lại ùa về trong tôi như mới hôm qua đây thôi với bao dấu ấn còn nguyên vẹn. Buồn vui, những buổi thả diều trên triền đê và những đặc sản một thời mà dường như giờ đây được gọi là hiếm.

Bánh đúc

Thứ bánh được làm bằng bột tẻ nêm cùng một số gia vị, món đặc sản thịnh hành khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Cái thứ quà chợ mong ngóng mẹ mỗi buổi chợ trưa của cái thời còn được gọi là con nít. Tháng tư về, còn gì bằng được ăn bánh đúc nóng hổi chấm với tương ớt, mắm tôm hay mật ong mật mía. Người ta thường ngâm gạo với nước vôi trong hoặc nước tro. Ngâm qua đêm khoảng 10 – 12 tiếng mang gạo đi xay nhuyễn thành bột nước, để nửa ngày cho mùi vôi bay hết. Cho vào nồi, bắc lên bếp, quấy đều tay cho đến khi bột chín đều. Khi bột sền sệt, dùng thìa múc lên thì bột chảy ra khỏi thìa và không dính chút nào vào thìa là được. Cho lạc rang vào, trộn đều. Bắc xuống, cho bột vào khay để nguội, cắt ra từng miếng vừa ăn. Tùy vào mỗi địa phương mà có những loại nhân, loại bánh đúc khác  nhau như bánh đúc lạc, bánh đúc ngô, bánh đúc thậm cẩm…

Bánh đúc ăn rất mịn, mát và dễ tiêu hóa, món quà quê mà ai ai cũng từng một thời gọi là đặc sản.

Giờ đây, bánh đúc vẫn còn rất phổ biến và được ưa chuộng ở thành thị với nhiều loại khác nhau thường được dùng làm bữa sáng hoặc món ăn vặt với giá thành rẻ, lại đảm bảo sức khỏe.

Kẹo mật

Thứ kẹo màu nâu nâu được bao quanh bởi bột trắng, viên kẹo bé như đầu ngón tay cái. Còn nhớ, vào mùa tết thiếu nhi 1/6 năm ấy, chúng tôi còn chân trần đội trời mưa đến Nhà Trẻ (nhà trông giữ trẻ con mà giờ gọi là Trường mẫu giáo) để được phát thứ kẹo ấy. Thích thú và nâng niu như một thứ đặc sản quý hiếm và gói ghém để ăn dần. Giờ đây, thử hỏi trẻ Thành phố, thậm chí trẻ nơi quê nhà chắc không biết và chưa từng được thưởng thức thứ kẹo mật ngọt ngào nuôi lớn biết bao tâm hồn bé thơ. Kẹo được nấu bằng mật mía trong 1 cái chảo lớn. Khi mật sánh lại, người ta thường cho vài giọt nước cốt chanh vào chảo để không bị lắng đọng đường cuối chảo. Mùi mật thơm phức, ngọt lịm, hòa lẫn mùi chanh thơm mát, một thứ mùi vị chỉ cần ngửi thôi đã thấy lan tỏa khắp lồng ngực, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Khi mật sánh lại đem đổ ra một cái nia lớn (mẹt) có lót vài lớp lá chuối cho khỏi dính, cuộn tròn lại như gói giò và nhào nặn. Sau đó, bỏ ra và cho vào cối giã cho đến khi cứng lại dần. Mật đã thành một khối to, cứng, được cắt thành từng cái như ngón tay có 1 lớp bột trắng phủ lên cho khói dính. Một số nơi kẹo mật lại được dính vào cái đầu que để trẻ con cầm ăn, như một thứ quà ngon nhất thế giới ngày đó. Nếu đem so sánh với nhiều loại bánh kẹo bây giờ thì chắc kẹo mật chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nếu ai đó từng được thưởng thức thứ đặc sản thời con nít đó ắt hẳn sẽ không bao giờ quên vị ngon ngọt của kẹo mật, khi cắn một cái nghe mới giòn tan, dù mỏi răng vẫn còn muốn nhai thêm vài cái nữa.

Tóp mỡ

Thèm cái hình ảnh teo tóp khô quắt, ngả một màu vàng rụm. Món ăn dân dã một thời trong những ngày gia đình còn nghèo, cái vị béo ấy lại làm tôi nhớ đến thế. Tôi thèm cái cảm giác mắt hau háu xem mẹ thái miếng mỡ to bằng 2 ngón tay, thắng kiệt lên mà tóp lại chỉ còn vừa đốt ngón, đủ cho 2 chị em nhón miếng, thổi phù rồi tranh nhau đưa tọt vào mồm, lấy làm sung sướng lắm vì trò vụng trộm. Ăn tóp mỡ thì nhớ canh ngót nấu, cải xào, dưa xào, trứng đúc, cơm rang, cá kho... di dỉ cái gì chế biến với tóp mỡ tôi cũng ăn được ngon lành. Tóp mỡ để nguội, thêm chút thịt nạc dính vào, mùi thơm béo, chấm nước mắm chanh tỏi ớt, dấp dấp lên cơm nguội, vị nóng hòa với cái giòn tan, át đi cái vị béo, thêm cảm giác chua chua và cay nhẹ, mằn mặn của nước mắm cốt, đưa vị giác đến với cái giòn rụm, vừa bùi, vừa ngậy. Tóp mỡ rang với cơm thì phải giòn, mà xào lên thì phải mềm, nhưng vẫn đủ độ dai. Khéo léo của các mợ là phải trung hòa cái béo cái ngậy không thành ngấy, đủ béo mà vẫn ngon. Dưa chua vàng, xào tóp mỡ, thêm tẹo ớt đỏ, hành hoa. Hay canh khoai sọ, hoa mùi, tóp mỡ chưng thơm lừng hành lá. Hay ít xôi sắn trộn mỡ gà, thêm vài miếng da, một vài miếng tóp phi thơm hành, rưới lên lớp gà hay thịt xíu hay canh chua thịt, niêu cá nục/cá chép kho...

Càng lớn, tình yêu của tôi với tóp mỡ càng ngày càng nhạt nhẽo, nhưng đảm bảo không bao giờ chết. Không phải cấu trộm ăn tranh, không phải lén lút thì thụp, không phải đứng sau lưng mẹ sợ mỡ bắn, không phải... không phải là những lúc lếch thếch bê bát cơm nguội hay ngồi cạo cháy, lục chạn tìm tóp mỡ, lách cách xúc từng thìa, đợi tiếng lạch cạch ngoài cửa, biết đâu mẹ chợ về lại có quả thị, cái bánh dày giò cho mình... Có chăng, thiếu đi cái “không phải” ấy, khiến tóp mỡ đối với mình giờ chỉ như kỉ niệm, thỉnh thoảng thèm rồi nuốt ực, đợi dịp nào vòi mẹ dùng mỡ động vật cho các bữa ăn, chứ chẳng còn chén tì tì được nhiều như ngày nào.

Từ cái thời ông già áo đỏ cầm đinh ba vào Việt Nam, người ta bỏ bếp than, đi dép nhựa màu mè, người ta biết thế nào là cholesterol, người ta đọc báo về các ổ mỡ lợn, các container mỡ lậu... Người ta chả đoái hoài về tóp mỡ.

Thật may, khi công nghệ mới thổi vào công nghệ ẩm thực vốn muôn vàn món ăn mới, nhưng một số món đặc sản vẫn còn có thể tìm được ở quán làng hay ngõ phố. Thứ đặc sản một thời không phải lúc nào cũng có thể ăn cho thỏa nỗi thèm. Bánh đúc, Kẹo mật, Tóp mỡ hay Kẹo kéo, Kem mút, Khoai – Ngô…luôn là những thứ quý giá nuôi lớn biết bao tâm hồn thơ bé trưởng thành.

Nguồn: Ẩm thực365

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading