Tản mạn cùng món quà quê “Cơm nắm muối vừng”

Thứ Sáu, 25/05/2012 02:08

3,295 xem

0 Bình luận

(0)

2683

“À ơi câu hát lời ru/đưa hồn con trẻ tìm bờ dừng chân”… Tôi lang thang trên phố theo tiếng gọi của hồn quê, tôi đi tìm cái gọi là thuần túy của cha ông ngày xưa để lại. Phố phường tấp lập, biết tìm sự thuần túy nơi đâu, trong vô vàn cái ồn ào trước mắt.

Trên con đường tìm hồn quê thầm lặng, tôi vô tình bắt gặp đoạn thơ:

“Hôm nay giữa phố người xao xác
Bày tiệc vui nhớ nắm cơm xưa...
Muối mè ai rắc vô mưa
Để cho nước mắt nhạt thưa ngậm ngùi...”
                                     (Phù Dung)

Một sự thẩm thấu vô cùng sâu sắc, một sự đan xen quá đỗi tuyệt vời. Đây là bốn câu kết trong bài thơ “Cơm nắm muối mè” của tác giả Phù Dung, cái giá trị của hồn quê đơn giản lại toát lên trước muôn vàn thứ lớn lao. Nếu ai đó đã từng đọc hết cả bài thơ này của tác giả Phù Dung thì không sao quên nổi những giá trị từ món ăn bình dị “cơm nắm muối vừng”.

Gánh hàng rong giữa phố bộn bề, hồn dân tộc vẫn hiện hữu trong những món quà quê bình dị

Món “cơm nắm muối vừng” từ thời xa xưa đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành thứ lương thực quan trọng trong những chặng đường hành quân dài gian khổ. Hay giản đơn hơn món ăn dân dã này là hố sâu tâm hồn dân tộc để mỗi người con xa quê chôn vùi những khắc khoải nhớ nhung, mường tượng. Nhớ quê hương, nhớ vị bùi bùi của cơm trắng, nhớ vị mặn mà ngầy ngậy của muối vừng (hay muối lạc), mỗi nắm cơm, mỗi kỷ niệm của từng ký ức đều mang nặng những tình cảm khác nhau, người nhớ nắm cơm mẹ nặn, người nhớ nắm cơm của bà…

Sống ở chốn Hà Thành phồn hoa, náo nhiệt với vô vàn món ngon mới lạ, nhưng một vắt cơm nắm thôi cũng làm con người ta hạnh phúc biết nhường nào. Tôi thấy nhớ thủa xưa, nhớ đến điên người món cơm nắm muối vừng của mẹ mỗi lần tôi đi đâu đó xa xa, cái món quà vặt ăn đường mà mẹ gọi nó với cái tên “quà quê sạch sẽ”. Nhìn những nắm cơm trắng muốt, tinh khiết, chỉ mới trông thôi trong đầu tôi đã mường tượng và cảm nhận được cái vị ngọt dẻo, bùi bùi của nó.

Cơm nắm muối vừng nhìn thì đơn giản, nhưng mấy ai có thể làm nó ngon. Cơm nắm ngon bởi vị đặc trưng của gạo từng vùng và vị ngon đó cũng xuất phát từ người làm ra nó. Ăn cơm nắm không chỉ thưởng thức vị bùi bùi của hạt gạo mới, vị ngầy ngậy thơm thơm của muối vừng (hay muối lạc) mà còn ngon từ cái tình cảm của người làm gửi vào trong đó. Bởi thế mới có chuyện cơm nắm mẹ làm nhiều hôm không được dẻo và chắc lắm, nhưng vẫn ngon hơn những nắm cơm được bán ngoài hàng.

Đời sống con người ngày càng được nâng cao, món quà quê ngày nào chỉ dành cho những gia đình không có điều kiện nay lại hiên ngang giữa phố phường như một đặc sản thanh tao. Cơm nắm muối vừng như một nét tao nhã trong văn hoá ẩm thực của người Việt. Những gánh hàng rong trên các con phố, vẫn ngày ngày gợi nhớ cho người ta về ký ức của một thời đói khổ đã từng qua. Bắt được món quà quê dân dã giữa phố xao xác, tác giả Phù Dung không cầm nổi lòng vì điều quý giá  mới xuất hiện trong tinh thần mà viết lên rằng: “ …Muối mè ai rắc vô mưa/Để cho nước mắt ngậm thưa nhạt dần…”

Một món ăn dân dã, từng một thời chỉ dành cho "con nhà nghèo", nhưng trên thực tế, đây lại là một món ăn chứa trong mình rất nhiều dinh dưỡng như: chất bột, chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin...

Đã qua rồi những ngày đói khổ, những quãng thời gian của trẻ thơ cùng với cánh diều, nhưng mỗi lần nhìn món quà của gánh hàng rong trên phố. Lòng tôi lại bộn bề những suy tư, những khao khát về tuổi thơ tôi gửi gắm trong món ăn thấm nhuần những tinh túy của hồn dân tộc.

Gia Nguyễn


Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading