Công dụng của Sen

Thứ Ba, 19/06/2012 08:26

7,635 xem

0 Bình luận

(0)

4612

Sen được biết đến là loại thuốc quý cho con người, tức các bộ phận của sen như cây, lá, hoa, hạt, tim,... đều có những công dụng hữu hiệu đối với sức khỏe và khả năng làm đẹp.

Trong các loài hoa của Việt Nam, hoa sen luôn đứng ở vị trí đặc biệt. Không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật đã viết về sen nhưng đề tài về loài hoa này vẫn không bao giờ vơi cạn. Trong thế giới thảo dược, ít có loài cây nào mà các bộ phận đều là những vị thuốc quý như cây sen.

Ngoài vẻ đẹp tinh khiết, bình dị, gần gũi với mỗi con người, hoa sen còn ẩn chứa nhiều tính năng kỳ diệu trong các liệu pháp trị bệnh và làm đẹp. Mỗi bộ phận của cây sen đều có tác dụng riêng hoặc để chế biến thành những món ăn có tác dụng tốt cho sức khoẻ.

Tất cả các bộ phận của sen đều được sử dụng để làm đẹp. Chẳng hạn, sen có khá nhiều cánh, chúng được dùng ngâm bồn (spa trị liệu) để tăng thêm nguyên khí, giúp tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, tinh dầu của sen còn dùng dưỡng da, để loại bỏ đi các tế bào chết và massage giúp lưu thông khí huyết.

Ngó sen cũng có khả năng tương tự, giúp sản sinh ra các chất đề kháng hay nói cách khác là tạo sức sống cho các tế bào. Sử dụng ngó sen làm nước uống sẽ giải độc tố giúp làn da đẹp hơn, các vết nám, tàn nhang và sẹo mờ dần.

Từ thời xa xưa, người Ấn Độ đã sử dụng sen trong điều trị bệnh, tăng cường sinh lực. Hương sen nhẹ nhàng và thanh khiết, vì thế đây cũng là quốc gia duy nhất sản xuất nước hoa có hương hoa sen.

Bên cạnh đó, tư thế hoa sen (thiền) là một trong những bài tập phổ biến của yoga. Tư thế này rất hữu ích đối với các nội tạng bụng, cơ quan sinh dục và thận. Đồng thời phương pháp tập luyện này giúp trút bỏ mọi phiền muộn, tinh thần sảng khoái và điều hoà cơ thể.

Gương sen là nơi chứa hạt sen.Theo tài liệu cổ, gương sen có vị đắng chát, tính ôn. Nó có tác dụng tiêu ứ, cầm máu, chữa huyết ứ, bụng đau, sinh xong nhau chưa ra, băng huyết sau khi sinh, tiểu tiện khó hoặc ra máu. Người ta thường dùng gương sen già lấy hết hạt, phơi khô, sắc nước uống để chữa các bệnh trên.

Tim sen vị đắng tính hàn, trị sốt cao mê sảng, huyết áp cao. Tim sen pha uống như trà chữa bệnh mất ngủ, an thần. Hoặc bạn hãy áp dụng cách làm sau: Lấy khoảng 1/2kg hạt sen khô, giã vỡ, rồi rang lên với một chút muối, chú ý giã rang nhỏ lửa sao cho hạt sen hơi vàng là được. Sau đó bạn cho vào lọ đậy kín, mỗi ngày ăn một vốc nhỏ trước khi đi ngủ, áp dụng đều đặn bạn sẽ cải thiện giấc ngủ của mình rất tốt.

Lá sen có vị đắng, tính ôn, có tác dụng thăng dương, chỉ huyết. Nó dùng để trị cảm nắng, say nắng, xuất huyết do sốt cao và chứng cảm sốt mùa hè. Dịch chiết từ lá sen có thể điều trị hội chứng rối loạn lipid máu. Lá sen tươi hay phơi khô thái thật nhuyễn, có thể dùng để nấu cháo nhừ với đường cát trắng. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, hạ huyết áp và giảm cholesterol. Đây là món ăn bổ rất thích hợp trong thời tiết nắng nóng.

Một trong những bài thuốc chữa bệnh kiết lỵ hữu hiệu của sen là dùng núm cuống lá sen giã vắt lấy nước, đun sôi để nguội và uống.

Ngó sen rất tốt trong việc tăng cường sức sống tế bào, giúp da dẻ hồng hào, nâng cao thể lực và tạo nguyên khí dồi dào cho cơ thể. Đồng thời, còn có tác dụng cầm máu hữu hiệu nhờ chứa hàm lượng chất sắt và tannic. Ngó sen để nguyên vỏ xay nhuyễn, ép lấy nước uống tốt để chữa các bệnh như viêm loét dạ dày, lao, bệnh phụ khoa, suy nhược thần kinh...

Hạt sen là vị thuốc quý, có tác dụng bổ dưỡng lại an thần, đặc biệt dùng để trị các chứng tiêu chảy kéo dài. Đồng thời tăng cường chức năng tì vị, bảo đảm dinh dưỡng, điều hòa sự thu nạp thức ăn. Ngoài ra, trong hạt sen có chứa sắt, can-xi, tinh bột và đặc biệt là phốt -pho, chúng thường được dùng để chữa kiết lỵ, cấm khẩu, tim đập nhanh, tiểu đục và bệnh phụ nữ.

Củ sen (rễ sen) chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhất là protein và vitamin C giúp tuần hoàn máu, chữa bệnh đậu mùa. Củ sen nấu chín (hoặc ngâm giấm) có thể làm giảm nhiệt, giảm thâm tím, tăng cường chức năng tim mạch và dạ dày.

(Theo itaexpress)

Danh mục bài viết Cẩm nang hữu ích

Đang tải dữ liệu loading