Về miền Tây ăn Nấm mối cuốn lá lốt nướng

Thứ Tư, 27/06/2012 10:36

3,660 xem

0 Bình luận

(0)

3779

Vị ngọt, dai dai và mùi thơm đặc trưng của nấm mối hòa quyện vị nhân nhẩn, cay cay, và mùi thơm của lá lốt lan tỏa vào mọi giác quan. Thêm một chút men cay vào nữa để cho câu chuyện thêm phần hưng phấn, khiến những vất vả, lo toan đời thường như xua tan đi lúc nào không hay biết!...

Ở miền Tây (như Bến Tre,Tiền Giang) có một loại nấm thiên nhiên không mọc lên từ rơm, rạ mà từ những gò mối lâu năm. Loại nấm này đặc biệt thơm ngon, và có giá trị kinh tế cao, đó là nấm mối.

Nấm mối thường mọc vào khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, khi cơn mưa đầu mùa làm cho không khí trở nên oi nồng, mặt đất hầm hập nóng là mùa nấm mối Bến Tre quê tôi lại về.

Biết được đặc điểm trên, sau mỗi cơn mưa, người dân thường ra bờ vườn để săn nấm, và bỏ chà tre hoặc tàu lá chuối khô phủ lên để “xí phần”. Sau khi quan sát dưới mặt đất thấy có những chấm đen nhỏ li ti nhô lên, thì khoảng 2 ngày sau sẽ thu hoạch được.Tai nấm mối tương tự như tai nấm rơm, nhưng phần dù (đầu) nhọn hơn, có màu nâu đất hoặc nâu trắng (nấm nếp); chân nấm dài, màu trắng xám và không có bao…

Hái nấm mối phải hái vào sáng sớm, lúc tờ mờ sương, nấm mới ngon, nếu để trưa nấm sẽ tàn. Khi nhổ nấm phải dùng cây tre vót mỏng (dân gian cho rằng tránh dùng vật kim loại đụng vào, năm sau nấm sẽ không mọc), nhổ nhẹ tay để lấy hết chân nấm, đừng nóng vội, nấm bị đứt chân, giá sẽ không cao. Khi vào mùa, ở những gò nơi nấm mọc hàng năm, có thể thu hoạch được vài ký nấm tươi. Nấm mối hiếm vì mỗi năm chỉ có một mùa và một mùa chỉ kéo dài hơn 1 tháng nên giá trị kinh tế cao. Giá nấm mối tươi hiện nay tại Tiền Giang là: 300.000 đồng/ký.

Nấm mối có vị ngọt như thịt gà, dai hơn nấm rơm. Theo các bà nội trợ miệt vườn, nấm mối chế biến món ăn nào cũng ngon, nhưng nếu bạn ghé đến quê tôi vào mùa nấm mối, tôi sẽ đãi bạn một món ăn tuyệt vời, đó là: “Nấm mối cuốn lá lốt nướng”.

Nấm mối hái về, gọt bỏ phần chân nấm, chẻ đôi rửa nước lạnh có pha chút muối vài lần cho sạch. Lấy vài nắm lá lốt loại vừa ăn, phơi heo héo để quấn nấm không bị rách.

Ướp gia vị (muối, tiêu, bột ngọt…) vào nấm cho vừa khẩu vị và cuốn bên ngoài bằng miếng lá lốt. Lửa hồng đã chuẩn bị. Cho từng cuộn vào gắp tre (hoặc đặt lên vĩ) nướng với ngọn lửa liu riu. Khi nướng đảo đều cho hai mặt cháy đều nhau và mùi thơm sực nức bốc lên, thì nấm chín. Chờ nguội cho ra đĩa. Thêm một đĩa muối hột rang đâm giập cùng vài trái ớt hiểm xanh là “đúng điệu”!...

Chiều tà, thật thú vị khi cùng bạn bè quây quần trước sân bên đĩa nấm mối cuốn lá lốt nướng. Gắp một cuốn chấm vào chén muối ớt đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt, dai dai và mùi thơm đặc trưng của nấm mối hòa quyện vị nhân nhẩn, cay cay, và mùi thơm của lá lốt lan tỏa vào mọi giác quan. Thêm một chút men cay vào nữa để cho câu chuyện thêm phần hưng phấn, khiến những vất vả, lo toan đời thường như xua tan đi lúc nào không hay biết!...

(Theo Vnex)

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading