Thực đơn cho người bị sốt xuất huyết

Thứ Ba, 03/07/2012 09:15

14,901 xem

0 Bình luận

(0)

3156

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch, đe dọa sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao. Do vậy, khi bị sốt xuất huyết cần phải kiểm tra và được chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số món ăn có công dụng hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, ngoài việc điều trị bằng thuốc (Tây y hay Đông y), người bệnh cần có chế độ, thực đơn ăn uống sao cho giảm sốt (thanh nhiệt), giảm đau (chỉ thống), nâng cao sức đề kháng, chống nôn... là điều rất quan trọng để phục hồi sức khỏe.

Các món canh dưới đây có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống xuất huyết. Chủ vị là hạt lạc xay nát hoặc giã nhỏ, gọi là “nhuyễn lạc”, kết hợp với một số loại rau.

1. Đối với trường hợp chưa xuất huyết

- Rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu thành canh ăn.

- Gan lợn tươi ép cho ra hết máu, rửa sạch, băm nhỏ 20-30g; rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g; nhuyễn lạc 30-50g. Nấu rau ngót với lạc thật chín rồi cho gan lợn vào đảo đều, đun sôi 5 phút là được.

- Đậu xanh cả vỏ, vỡ đôi 50-60g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

- Rau dền (xanh hay đỏ, hoặc dền cơm) rửa sạch thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau dền vào, đun sôi 10 phút là được.

- Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau mồng tơi vào, đun sôi 10 phút.

- Rau sam tươi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau sam vào, đun sôi 10 phút.

- Hoa thiên lý rửa sạch 30-50g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho hoa thiên lý vào, đun sôi 5 phút.

- Lá non thiên lý 60-100g rửa sạch thái nhỏ, nấu canh cùng nhuyễn lạc.


2. Với bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết:

- Quả mướp ngọt già gọt vỏ 100-150g, xắt khúc 2cm, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu 2 thứ với nhau, đến khi lạc thật chín thì vớt mướp ra nghiền, bỏ xơ, lấy nước và hạt. Cho nước, mướp và hạt mướp vào nồi canh đun sôi, đập 1 quả trứng gà vào, quấy cho sôi đều 5 phút là được.

- Ngó sen tươi tước vỏ, rửa sạch, thái mỏng 20-30g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

Chú ý: Cho nước, mắm muối vừa miệng người ăn (hơi nhạt một chút) và đủ ăn một bữa. Kiểm tra kỹ để loại bỏ lạc mốc hoặc chớm mốc trước khi làm nhuyễn lạc. Người có tiền sử dị ứng với lạc thì không dùng các bài thuốc trên.

3. Bệnh nhân sốt xuất huyết

Dùng nước đậu xanh, bạc hà (vị thuốc bạc hà trong Đông y)

  • Đậu xanh 50gr, đãi loại bỏ vỏ,
  • Lá bạc hà 30gr,
  • Đường trắng 30gr.

Cho đậu xanh, bạc hà vào nồi, đổ 1 lít nước, đun sôi trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước hòa 30gr đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, chỉ khát (làm mất khát);

Nước ngân hoa dưa hấu

  • Lấy 200gr vỏ dưa hấu, bỏ vỏ xanh, giữ lại cùi, thái miếng
  • 30gr kim ngân hoa

Rửa sạch nguyên liệu cho vào nồi, đun sôi cùng 1 lít nước trong 30 phút, gạn bỏ bã, lấy nước hòa cùng 30gr đường kính, uống làm nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt (làm mát) và chỉ huyết (cầm máu);

Nước rau muống cúc hoa

  • Rau muống 150gr, nhặt bỏ cuộng già, rửa sạch.
  • Cúc hoa 20gr, rửa sạch

Cho rau muống, cúc hoa vào nồi đun sôi với 1,5 lít nước trong 20 phút. Vớt bỏ bã, gạn lấy nước trong. Cho thêm 50gr đường trắng vào nước rau muống, cúc hoa, đun lại cho tan hết đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chống xuất huyết;

Cháo rau cần đại táo

  • Rau cần 150gr rửa sạch, cắt khúc ngắn,
  • Đại táo 5 quả rửa sạch,
  • Gạo tẻ 100gr vo sạch,
  • Đường 50gr.

Cho gạo và đại táo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo, cho rau cần vào đun thêm 5 phút bắc ra, cho đường vào khuấy đều dùng ăn bữa sáng, bữa tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, bình can, lương huyết, chỉ huyết, rất tốt với người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Cháo bí đao


  • Bí đao 150gr, gọt bỏ vỏ xanh, thái khúc.
  • Gạo tẻ 100gr vo sạch,

Cho gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo rồi cho bí đao đã thái khúc vào đun thêm 10 phút, rồi cho ít muối đủ ăn hoặc 50gr đường trắng tùy theo khẩu vị. Bắc ra để nguội ăn vào 2 bữa sáng và tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

4. Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng. Ta nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu, không có màu đen hay đỏ (vì trong trường hợp nếu cháu ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu). Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì… theo ý thích của cháu.

Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.

Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.

Bảo Thanh tổng hợp
Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading