Chuyện một người mỹ mê bếp việt

Thứ Hai, 05/07/2010 08:30

1,438 xem

0 Bình luận

(0)

2071

Đó chính là Geoffrey Deetz, đầu bếp người Mỹ của nhà hàng Calli Pizza, người đã vượt qua nhiều đầu bếp cừ khôi của Việt Nam để tiến vào đêm chung kết giành danh hiệu Vua bếp diễn ra vào 20g30 ngày 8-10.

Trên vỉa hè đường phố Sài Gòn, bạn bất chợt gặp một người đàn ông nước ngoài ngồi xổm, ăn ngon lành các món ăn ở gánh hàng rong. Rồi bằng tiếng Việt lơ lớ, ông huyên thuyên trò chuyện với chủ hàng về cách chế biến.

Mê món ăn Việt bắt đầu từ ổ bánh mì

Sự xuất hiện của Geoffrey trong game show Vua bếp tưởng chừng chỉ góp phần làm phong phú chương trình, bởi game show chỉ thi các món ăn truyền thống Việt Nam.

Nhưng Geoffrey cùng với người cộng sự - Phan Văn Phương - đã mang đến sự ngạc nhiên cho mọi người. Anh có khả năng làm bếp điêu luyện và khá am hiểu văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Trong cuộc thi của tháng, với món bò nướng sả cây, Geoffrey đã giành chiến thắng nhờ chén nước chấm được làm từ tương đậu. Sau đó, anh chạm một tay vào danh hiệu Vua bếp Việt Nam nhờ nấu món heo giả cầy kiểu miền Bắc.

Lần đầu tiên ăn thử ổ bánh mì Việt Nam, Geoffrey đã lập tức bị quyến rũ bởi cái vị ngòn ngọt, mằn mặn rất đặc biệt của nó, để rồi từ đó, anh bắt đầu “tầm sư học đạo”. Đó là vào những năm 1990.

Một thời gian sau, tại vùng California, anh đã cho ra đời 5 nhà hàng chuyên phục vụ món ăn thuần Việt. Không hài lòng với những gì đã học được từ đầu bếp Việt ở Mỹ, năm 1999, Geoffrey quyết định bay qua Việt Nam.

Vừa đặt chân đến Sài Gòn, Geoffrey đã trổ tài làm món cua lột chiên bánh mì ngay tại chảo dầu đang sôi sùng sục của chị bán chuối chiên ở chợ Bến Thành. Trước ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn cảm phục của những người Việt Nam, anh quyết định sẽ gắn bó dài lâu với xứ sở này.


Yêu chái bếp Việt Nam

Năm 2001, Geoffrey bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình tại Sài Gòn. Chính nơi đây anh đã gặp, yêu rồi cưới một cô gái miền Bắc vào Nam lập nghiệp.

Về quê vợ, bước vào chái bếp nhà quê đơn sơ, anh cảm nhận đó không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là nơi chứa đựng tình cảm gia đình ấm áp của người Việt. Anh yêu chái bếp Việt Nam từ đó. Hợp tác mở nhà hàng bán pizza nhưng anh luôn đặt yếu tố gia đình trong phương thức kinh doanh của mình.

Ngay tại gian bếp của nhà hàng, Geoffrey đã truyền vào đó tình cảm, tinh thần của một đại gia đình người Việt. Mọi người cùng làm việc, cùng chia sẻ khó khăn, buồn vui trong cuộc sống. Một điều Geoffrey luôn trăn trở: “Nhiều người cứ lầm tưởng ẩm thực Việt Nam giống Trung Hoa. Đó là một sai lầm.

Thực ra, món ăn của người Việt có những nguyên lý chế biến rất khác biệt, đặc biệt là sự biến hóa đa dạng của nước chấm, rau thơm và rau sống. Nhưng người Việt còn ngại ngùng khi giới thiệu bản gốc của món ăn truyền thống ra thế giới.

Ngay cả người Việt ở hải ngoại cũng thường pha chế thêm nhiều khẩu vị và nguyên liệu không hợp lý để chiều khách, làm mất gốc món ăn truyền thống vốn rất đáng tự hào”.

Theo Người Lao Động

Danh mục bài viết Ẩm thực ba miền

Đang tải dữ liệu loading