Bếp Việt sưởi ấm tình người

Thứ Sáu, 03/08/2012 04:30

2,995 xem

0 Bình luận

(0)

3701

Bếp Việt mỗi thời mỗi khác, thay đổi theo thời gian cho dù cuộc sống đã đổi thay nhưng từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người dân Việt vẫn chung một ngọn lửa, một ngọn lửa không bao giờ tắt.

Lửa từ núi lửa, lửa từ rừng cây sét đánh bốc cháy, lửa từ hai hòn đá đập mạnh vào nhau… mới chỉ là lửa hoang, thất thường và hung tợn. Chỉ khi lửa bén lên từ bùi nhùi, lửa lép bép trong bếp lửa… lúc đó lửa hoang mới thành lửa nhà, thành ân nhân, thành tâm hồn của con người.

Chỉ khi lửa bén lên từ bùi nhùi, lửa lép bép trong bếp lửa… lúc đó lửa hoang mới thành lửa nhà, thành ân nhân, thành tâm hồn của con người

Tôi cứ nghĩ, có thể là ngây thơ rằng lịch sử văn hoá nhân loại đã được khởi thuỷ từ khi vượn người biết giữ lửa. Nhưng lửa từ núi lửa, lửa từ rừng cây sét đánh bốc cháy, lửa từ hai hòn đá đập mạnh vào nhau… mới chỉ là lửa hoang, thất thường và hung tợn. Chỉ khi lửa bén lên từ bùi nhùi, lửa lép bép trong bếp lửa… lúc đó lửa hoang mới thành lửa nhà, thành ân nhân, thành tâm hồn của con người.

Tôi đã quên rất nhiều đêm hội hoa đăng trong đời mình nhưng không thể quên cái bếp lửa mùa đông ấy. Bếp lửa từ bao đời này là nơi sum họp gia đình sau một ngày làm lụng mỗi người một nơi.

Có lẽ cuộc hội ngộ đầu tiên giữa lửa và người bắt đầu từ những đống lửa trong hang tối hay giữa rừng đêm. Con người thời hồng hoang có thể rất to khoẻ về cơ bắp nhưng thật yếu ớt về khả năng tự vệ. Những đống lửa được đốt lên xua đi bóng đêm hãi hùng, khi ấy thú dữ hoảng sợ, sưởi ấm những thân thể trần trụi, làm chín thịt rừng, củ rừng. Cứ như thế, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, con người phát hiện ra sức tàn phá ghê gớm của lửa cũng như sức mạnh sáng tạo phi thường của lửa. Lửa nung đất sét thành đồ gốm. Lửa nấu chảy quặng thành đồng, thành sắt. Từ khi có kim loại trong tay, con người đã bước những bước dài thoát khỏi thế giới hoang dã. Ngày nay, người ta dùng năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt để phục vụ đời sống của mình, không còn dùng đến ngọn lửa cổ sơ. Nhưng dù cho bao biến cải, dù cho bếp điện, bếp gas, lò vi sóng… đang thay dần vị trí của ba ông đầu rau bằng đất sét trong nhiều gia đình, thì bếp lửa vẫn còn đó trong ta như thể đó là một phần của cội nguồn, của quê hương, là hình hài của quá khứ…

Quê tôi đun bếp lửa bằng rạ hoặc bằng thân cây ngô, cây đỗ phơi khô. Đun phải luôn tay tiếp rạ và cời tro bằng một đoạn tre gọi là que cời. Thủa bé, tôi là một đứa trẻ tò mò và hiếu động, suốt ngày ngồi nghĩ ra trò để nghịch. Bà nội tôi rất chiều cháu, có lần tôi đục thủng cả chiếc ấm đun nước bằng đồng với ý định để thử hàn lại xem có được không nhưng vẫn không bị mắng. Thế mà tôi đã bị một trận đòn đau vì vi phạm một trong hai điều nghiêm cấm của bà. Một là, khi đi phải để mắt xuống đất, không được giẫm lên những hạt cơm rơi vãi. Cơm là ngọc của trời, người không ăn thì dành cho chó, cho gà, giẫm lên là phải tội. Hai là, không bao giờ được lấy que cời hoặc bất cứ cái gì đập lên các ông đầu rau trong bếp vì đấy là thần bếp, là ông Táo trông nom, che chở cho mọi người trong nhà, mà tôi thì lại dám cả gan đập vỡ ra, xem bên trong có gì.

Bên trong không có gì bí mật, chỉ là đất sét trộn với trấu đem phơi khô. Ai cũng biết thế, nhưng với bà tôi, bác tôi và tất cả mọi người, ba vị đầu rau không là đất mà là hiện thân của bà Táo và hai ông Táo. Ba vị thiên thần ấy ngày xưa cũng là người. Chồng đi biền biệt không tin tức nhiều năm tưởng đã chết; cô thôn nữ nết na, xinh đẹp đi bước nữa với người đàn ông cô nặng lòng yêu. Họ đang sống hạnh phúc thì người chồng cũ trở về. Hai người đàn ông cùng yêu một người đàn bà, người đàn bà cùng yêu hai người đàn ông và mỗi người trong họ đều không muốn người kia đau khổ. Thế rồi lần lượt cả ba người đều nhảy vào lửa chọn cái chết để giải thoát cho hai người kia. Cảm thương cảnh éo le và tấm lòng của họ, Ngọc hoàng cho họ hoá thành ba đầu rau chụm đầu bên nhau mãi mãi cùng cai quản chuyện nhà cửa cho con người dưới hạ giới. Họ còn có một nhiệm vụ nữa, đó là ngày 23 tháng chạp hàng năm phải lên thiên đình báo việc dưới trần với Ngọc hoàng. Tuổi thơ tôi êm đềm và đầy biến động bên cạnh mối tình tay ba cảm động ấy.

Đó là những đêm mùa đông quê nghèo. Gió ù ù trên cánh đống đồng khô trắng chân rạ. Gió vật vã những bụi tre gầy gò lùa cái lạnh thấu xương vào ngôi nhà thấp lè tè trống huếch.

Tôi vùi mình thật sâu trong ổ rơm, chỉ thò đầu ra, dán mắt vào bếp lửa, nơi bữa tối của cả nhà đang được sửa soạn. Bữa tối không phải trong xoong nồi mà được vùi sâu dưới lớp than rơm đỏ rực. Bố mẹ theo cơ quan nay đây mai đó gửi tôi tản cư mấy tháng. Thời đánh Pháp nhà nào chẳng thiếu thốn, chỉ mấy tháng thôi tôi đã hiểu giá trị của mủng khoai các anh chị con ông bác đi mót suốt ngày ở ngoài đồng. Bác gái tôi gạt tro lấy ra những củ đã chín lần lượt chia cho mọi người. Những củ khoai lang, khoai sọ đen đủi bốc lên vị thơm ngọt ứa nước miếng. Có lẽ củ cuối cùng cũng là phần của chính mình, bác tôi gắp đặt lên ông đầu rau rồi lầm bầm khấn khứa mấy câu gì đó nghe không rõ. Bác bảo tôi: “Người ăn gì, ông Táo cũng được hưởng thứ đó, quên là phải tội”. Đêm ấy, đám trẻ con chúng tôi đứa nào bụng cũng lưng lửng, vùi mình trong ổ rạ thiếp đi cùng ánh lửa bếp đang vạc dần.

Vâng, tôi đã quên rất nhiều đêm hội hoa đăng trong đời nhưng không thể quên cái bếp lửa mùa đông ấy. Bếp lửa từ bao đời nay là nơi sum họp gia đình sau một ngày làm lụng mỗi người một nơi. Bếp lửa, đó là nơi cánh phụ nữ trong nhà thì thầm to nhỏ, tần tảo ăn bữa sớm lo bữa tối cho chồng con. Cảnh sống của mọi nhà có thể che giấu ở đâu chứ không thể giấu được nơi bếp núc. Bếp nhà giàu toả mùi thơm hành hạ những dạ dày lép kẹp hàng xóm. Bếp nhà nghèo khoai luộc, ngô nướng kham khổ với người. Và hình như phải chung cảnh đói khổ người ta mới thật hiểu nhau, không bao giờ quên nhau. Bếp lửa là gia đình, xóm mạc. Bếp lửa với những người như tôi là tuổi thơ, là những gì có thể chẳng còn cần thiết nữa nhưng không muốn quên, không quên đi được. Tôi nhớ câu thơ của Bằng Việt: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm. Một bếp lửa ấp iu nồng đượm. Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”

Ấy là cái thời chăn trâu đốt lửa, nói theo cách của Đồng Đức Bốn. Cái thời đám trẻ con trong làng đi chăn trâu, tụ tập nhau móc khoai vơ gốc rạ đốt khói um cả đồng làng. Rồi những đứa trẻ ấy cũng lớn lên. Lớn lên để mặc áo lính. Ba bốn chục năm dằng dặc, nhiều thế hệ đã sinh ra, lớn lên và chết đi trong chiến tranh. Thế hệ chúng tôi có những chàng trai sinh ra giữa trận càn và khi ngã xuống giữa đạn bom vẫn không hình dung nổi thế nào là một ngày hoà bình.

Những chàng trai ấy nối nhau thành chuỗi dài vượt dải Trường Sơn âm thầm, kiên nhẫn, bất tận. Trên con đường thiên lý, đơn vị này rồi đơn vị khác, họ để lại phía sau mình những bếp lửa. Những bếp lửa anh nuôi ngầm trong lòng đất có rãnh giấu khói. Những bếp lửa bên bờ suối, nồi đặt lên, lính ta mới vừa tắm vừa đi hái rau, bắt cá cười đùa vang rừng. Những bếp lửa đóng ba cọc cây tươi làm kiềng, trút những hạt gạo cuối cùng nấu nồi cháo cho thương binh. Những bếp lửa cả tiểu đội buông đũa khóc người vừa ngã xuống. Những bếp lửa dưới mái lộp bộp mưa rừng, liu riu thương Nam nhớ Bắc. Lửa những buôn làng trên đường hành quân đón bộ đội, thịt gà nướng xôi nếp nương, tiếng chiêng bập bùng và nhưng cô gái làng say nghiêng ngả.

Những năm tháng ấy trên đường hành quân, gặp một bếp tro đã nguội, gặp ba hòn đá có vết nhọ, gặp một bếp Hoàng Cầm trong đất… là biết mình đi đúng hướng. Lửa, lửa từ trăm ngàn bếp rừng góp lại bùng lên thành bão lửa làm nên chiến thắng.

Ánh lửa ngày nào giờ đây đang nhường chỗ cho điện sáng. Cũng phải thôi và cũng mừng thôi, nói theo lời của chủ nhân những ngôi nhà sang trọng “đạp cầu thang, sang nhà bếp”. Nhà bếp là nơi mọi thành viên trong gia đình gặp nhau nhiều thời gian nhất trong một ngày, nó phải đẹp, phải tiện nghi thoải mái, không thể rác rưởi, than củi, muội khói. Nhà bếp là nơi nghỉ ngơi và hưởng thụ sau một ngày mệt nhọc. Nhà bếp là gian trưng bày tuy nhỏ nhưng đầy ấn tượng về chủ nhân và tiền bạc của chủ nhân. Qủa thật, ngồi vào bàn ăn ở một nhà bếp sang trọng thật thú. Quầy bếp, tủ rượu, giá cốc chén đến tranh ảnh, khăn bàn, sàn gỗ… đều bóng loáng, vui mắt, sạch sẽ, nhất là khi chúng được sống động thêm bằng bà chủ hay cô chủ xinh đẹp, khéo léo, chiều khách thì không khách sạn nào bằng. Rồi đây ta sẽ sản xuất được khí đốt hoá lỏng với giá thật rẻ. Ta sẽ có những máy điện gia đình chạy bằng sức gió để có điện đun nấu, thắp sáng ở nông thôn, miền núi, hải đảo. Sẽ có nhà máy điện thuỷ triều cho vùng biển. Có nhà máy địa nhiệt ở Tây Nguyên và nhiều vùng núi… Bếp lửa sẽ chỉ còn trong kỷ niệm, sẽ chỉ còn là một hiện vật huyền bí ở Bảo tàng dân tộc học trong mắt bọn trẻ con. Bao lâu nữa thì ước mơ ấy thành hiện thực? Chắc còn lâu lắm, nhưng ngày ấy sẽ tới.

Khi rượu đã ngà ngà thì điều vô lý nhất cũng có thể trở nên có lý. Tôi gây chuyện với ông bạn thân của cái bếp hiện đại như tôi vừa tả ở trên: “Với cái bếp này thì con cái nhà ông sẽ không biết ông Táo là ai nữa. Chúng sẽ không phân biệt được đâu là rơm đâu là rạ. Ông có nghĩ rằng sẽ đến lúc chúng không biết quê hương mình ở đâu không?”. Nhẹ nhàng gỡ chén rượu đang uống khỏi tay tôi, ông đáp nhỏ nhẹ: “Thằng lớn nhà này không ở nhà, tốt nghiệp xong nó tình nguyện lên miền núi công tác ba năm. Chắc giờ này nó cũng đang ngồi bên bếp lửa nướng sắn đây. Ông có nhớ nồi cháo sắn hồi ở chiến trường Pleiku không. Không có bát cháo và lửa sưởi đêm ấy, chắc mình chết rồi…”.

Tôi định trả lời “Làm sao mà quên được, ông còn nhớ nữa lại là tôi…”, nhưng không hiểu sao lại im lặng. Phải rồi, trong bạn tôi, trong tôi và trong bao người khác, cho dù cuộc sống đã đổi thay nhưng từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn vẫn chung một ngọn lửa, một ngọn lửa không bao giờ tắt.

(Theo sgtt)

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading