tiến sỹ ... rượu

Thứ Năm, 24/06/2010 11:36

1,406 xem

0 Bình luận

(0)

3567

Tiến sỹ Nguyễn Công Ngữ là hậu duệ đời thứ 6 của cụ Nguyễn Công Trứ. Người ta gọi ông là “lão phù thủy” biến trái cây thành rượu.

10 năm và 20 loại rượu

Khách tới nhà, ông tiến sỹ lại mời lên tầng 3, ở đó có cơ man nào là rượu. Rượu táo, rượu dưa hấu, rượu dưa lê, rượu mơ, rượu vải, rượu mận… từ vang đến brandy, cognac với đủ màu sắc: đỏ chín, đỏ tươi, xanh nhạt, hồng, trắng. Và lạ là tất cả những loại rượu đó đều do một tay “lão phù thủy” làm ra.

alt
Tiến sỹ "rượu" Nguyễn Công Ngữ bên các loại rượu trái cây của mình

Gần 10 năm, ông một mình đi khắp vùng miền tổ quốc, tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời khoảng 20 loại rượu độc đáo. Các loại rượu mới của ông đều được Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra, cho đăng kí nhãn hiệu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi ghé thăm phòng thí nghiệm mini của ông và thưởng thức những loại rượu đặc biệt này. Không giống như những loại rượu khác, rượu của ông có hương vị trái cây, thơm thơm, ngọt ngọt, tê tê, cay cay… Đặc biệt là loại vang mơ trắng, uống vào như cảm nhận được vị cay ngọt của “thịt mơ” Hương Tích.

Rượu làm từ các quả này đã được loại bỏ một số độc tố, tạp chất như aldehyd, fuefurol (những độc tố gây sốc và đau đầu, ảnh hưởng đến sức khoẻ tim mạch) rồi mới chưng cất và lên men. Vì thế rượu của ông uống rất êm và dễ chịu.

Vợ ông còn kể lại câu chuyện, một người đàn bà đến chơi, uống rượu và nghe ông nói chuyện về rượu xong, say… cả người làm ra rượu! Bà đã phải “rất mệt” với người phụ nữ không chỉ “nghiện” rượu mà còn “nghiện” cả… chồng mình!

“Hiện nay mọi công nghệ làm rượu vang ở Việt Nam vẫn là từ nho và dâu theo truyền thống sản xuất rượu của vùng Bordeaux (Pháp) mà chưa có loại rượu vang nào được làm từ hoa quả như mơ, mận, vải, dưa lê, dưa hấu, táo mèo” - Tiến sỹ Nguyễn Công Ngữ nói.

Sản phẩm cognac trắng và màu của ông đã được đưa vào sản xuất và bán trên thị trường, được nhận giải thưởng sản phẩm chất lượng Quốc gia trong cuộc thi “Rượu vang Quốc tế Việt Nam năm 2007”.

Duyên nợ với quả thanh long

Mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Công Ngữ còn sáng chế ra loại Rượu vang thanh long và nhiều phụ phẩm khác. “Thịt” quả thanh long được đồng hóa, thẩm thấu, điều chỉnh dịch quả, lên men, ức chế loại pectin và tạp chất, ổn định hương để cho ra đời loại Rượu vang thanh long có 11,5% Vol, màu vàng nhạt, sáng, trong suốt, mùi thơm, vị chát, chua.

Ông cho biết, cứ 100 kg quả thanh long sẽ thu được 160-180 lít rượu vang. Mặc dù trong thanh long có tạp chất pectin hàm lượng cao, khó chưng cất nhưng ông tiến sỹ còn làm ra loại rượu mạnh 40%. Từ đây có thể chế tạo ra cognac màu và brandy.

Không những vậy, thanh long còn được “lão phù thủy” làm mứt sệt (có tên thương mại quốc tế là Marmelat) để ăn với bánh khô như bánh mỳ, bánh quy không đường… Với 100 kg thanh long có thể chế được khoảng 95 kg mứt sệt. Ông nói: “Loại mứt này không thua kém các loại mứt nhập ngoại mà giá thì có thể tiết kiệm từ 50-60%”.

Vỏ thanh long cũng được ông tận dụng làm thức ăn gia súc, hoặc chế biến thành pectinson - một hợp chất chuyên dùng để pha các loại kem cao cấp, các loại nước uống bổ dưỡng, nhuận tràng, dễ tiêu hóa.

Ông tiến sỹ chia sẻ: “Tiềm năng nông nghiệp của ta lớn, vậy thì ta cần phải biết biến nó thành hàng hóa để bà con nông dân có cơ hội hội nhập nền kinh tế, làm giàu cho mình, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO”.

Hậu sinh khả úy

Nguyễn Công Ngữ sinh năm 1937 tại Phong Điền - Thừa Thiên Huế nhưng lớn lên ở Cam Lộ tỉnh Quảng Trị, hậu duệ đời thứ 6 của cụ Nguyễn Công Trứ. Những năm 1950, Nguyễn Công Ngữ là một trong 4 người dành bằng loại ưu của trường Trung học Hóa chất.

Sau khi tốt nghiệp khóa 3 Đại học Bách Khoa, khoa Hóa Thực phẩm năm 1961-1965, Nguyễn Công Ngữ về công tác tại viện Công nghiệp Thực phẩm, rồi Viện Lương thực thực phẩm và cuối cùng là Viện Công nghệ sau thu hoạch.

Ông cũng từng thực tập khảo sát ở Canada và một số nước Châu Âu, bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Hóa thực phẩm tại Canada.

Hiện nay, công nghệ làm rượu của ông đang được công ty đầu tư phát triển Nông lâm nghiệp Việt Nam – FCC ứng dụng sản xuất rượu vang và rượu mạnh từ các loại quả mơ, mận, táo mèo.

Công ty phát triển công nghệ Châu Âu tại khu công nghiệp phố Nối cũng mua công nghệ sản xuất rượu hybicuss của ông. (Hybicuss được trồng nhiều ở Phú Yên, uống có tác dụng giảm huyết áp trong máu, được xuất khẩu sang Liên Bang Đức). Đặc biệt, năm 2009, công nghệ làm rượu từ dưa bở, dưa lê, dưa hấu của ông được đưa vào sản xuất trên diện rộng.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading