Bổ sung dinh dưỡng lúc giao mùa

Thứ Tư, 08/08/2012 08:40

1,931 xem

0 Bình luận

(0)

3971

Giao mùa thời tiết mùa nắng thất thường khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, do đó rất dễ bị nhiễm một số bệnh như cảm cúm, sốt, bệnh truyền nhiễm... Chính vì vậy, ngay từ bây giờ hãy bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể nhằm tăng sức đề kháng bảo vệ sức khỏe của bạn.

Do biến đổi khí hậu nên thời tiết lúc giao mùa hiện nay không còn “hiền lành” như xưa. Trời Sài Gòn vẫn chợt mưa chợt nắng nhưng nhiệt độ chênh lệch nhiều hơn, vì thế, cơ thể dễ nhiễm bệnh. Thời điểm này, cần có chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, nhất là các đối tượng đặc biệt như trẻ em, thai phụ và người cao tuổi.

Cho trẻ uống nước cam sẽ tăng cường sức để kháng chống lại bệnh tật lúc giao mùa

Theo BS Nguyễn Thị Hoa - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, lúc giao mùa, trẻ em hay bị các bệnh hô hấp, sốt siêu vi, tiêu chảy. Vì thế, cần lưu ý tăng cường đề kháng cho trẻ, chủ yếu là thực phẩm có chứa sinh tố C và kẽm. Như vậy, cần cho bé uống thêm nước ép các loại trái cây như: cam, quít, chanh, thơm. Nếu bé đủ răng, nên cho ăn trực tiếp các loại hoa quả như: khế, thơm, chuối… Cần cho bé ăn các món hầm nhừ nóng sốt như: canh súp gà hầm với khoai tây cà rốt, canh cà chua trứng, canh rau dền nấu tôm, cháo bò, canh hầm củ cải… Các món ăn cần nóng sốt, nấu xong ăn ngay để tránh tiêu chảy. Cà rốt là món ăn bài thuốc trị tiêu chảy ở trẻ em rất hữu hiệu, chỉ nấu nhừ cà rốt rồi cho bé uống. Ngoài cà rốt còn có thể dùng đậu ván rang, gạo rang, gạo lức rang nấu cháo hay nấu nước cho bé uống cũng hiệu quả không kém. Tuy nhiên, nếu thấy sau nửa ngày ăn và uống các loại “thuốc” thiên nhiên mà “tình hình” đi tiêu không giảm bớt thì nên đưa đi khám bệnh. Trẻ bị ho thì dùng món tắc chưng đường phèn (có thể cho vào nồi cơm vừa cạn). Chưng khoảng ba quả tắc với đường, cho bé uống nước tắc, cơn ho sẽ giảm. Một bài thuốc khác là dùng lá hẹ nấu canh hoặc dùng lá rau kinh giới, lá rau tần dày lá giã nát lấy nước hòa mật ong uống, cơn ho sẽ giảm nhanh. Trong trường hợp bé ho nhiều hơn, hãy đưa đi bác sĩ vì bé đã bị nhiễm khuẩn, cần điều trị sớm trước khi bệnh trở nặng sang viêm phế quản, viêm phổi…

Nước mía là thức uống tốt cho thai phụ trong thời điểm giao mùa

Thai phụ trong lúc giao mùa cần chú ý đến dinh dưỡng vì dễ bị nhiễm bệnh. Điều đầu tiên cần làm là bổ sung canxi và sắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Kháng thể mạnh, hệ tiêu hóa khỏe sẽ giúp cho bà bầu vượt qua thời tiết thay đổi lúc giao mùa dễ dàng. Bên cạnh những món ăn thường ngày, Lương y Đinh Công Bảy - hội Dược liệu TP.HCM hướng dẫn dùng thêm một số món như: cháo hầm củ sen, chè sen, cà rốt hầm… Nếu thấy buồn nôn, mỏi mệt, hãy uống nước mía cùng với gừng nấu nóng. Khi có thai không nên dùng quá nhiều gia vị ấm nóng như: gừng, nghệ, tỏi… vì không tốt cho thai. Chỉ dùng các gia vị này trong mùa lạnh.

Người cao tuổi thường không có cảm giác khát nước, vì thế rất dễ thiếu nước, cần uống đủ nước. Bên cạnh nước tinh khiết, nên dùng các loại trà thảo dược như: trà xanh, trà gừng, trà cúc, nụ vối. Các món ăn dành cho người cao tuổi cần nấu chín hoặc hầm mềm. Các món hầm càng phong phú nguyên liệu càng tốt cho sức khỏe các cụ, ví dụ như gà ngũ quả, canh bóng (nguyên liệu gồm: su hào, cà rốt, khoai tây, nấm mèo, nấm đông cô, bông cải xanh)... Người càng cao tuổi dương khí càng yếu, vì thế cần ăn các loại gia vị có công dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Chẳng hạn như gà kho nghệ, cật heo nấu với nghệ, cá kho tiêu, tôm kho sả… Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, cần sử dụng gừng trong một số món ăn như: canh cải nấu với gừng, thịt gà kho gừng… Sau khi ăn thịt mà cảm thấy khó tiêu nên dùng một lát thơm hoặc một ly nước ép từ trái thơm tươi sẽ thấy “thuốc” làm cho người nhẹ hơn. Nếu không có thơm có thể dùng đu đủ. Nếu cảm thấy đầy bụng nên uống nước sả. Cách làm như sau: dùng ba củ sả nướng sém, lột bỏ lớp vỏ bị cháy sém rồi nấu với nửa lít nước. Nước uống vừa thơm, vừa làm cho cơ thể nhẹ nhàng, sảng khoái.

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading