Bổ sung vi chất cho trẻ đúng cách

Thứ Tư, 03/10/2012 08:17

3,639 xem

0 Bình luận

(0)

1025

Vi chất dinh dưỡng không chỉ giúp bé khỏe mạnh phát triển tốt mà còn có khả năng chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, thay vì phải bổ sung qua thuốc mà hãy bổ sung bằng cách cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm...

Vitamin và khoáng chất là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nếu thiếu hụt vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, cản trở sự phát triển của trẻ nhỏ.

Làm sao để biết bé thiếu vi chất?

Thông thường, để biết bé có bị thiếu vi chất hay không, bạn nên đưa bé đến bác sĩ dinh dưỡng để được khám và chuẩn đoán. Ngoài ra, bạn có thể dựa vào những yếu tố sau:

- Trẻ đẻ non, sinh đôi, các trẻ lớn quá nhanh do nhu cầu Vitamin quá cao so với sự cung cấp của chúng ta hàng ngày.

- Trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ sau giai đoạn bệnh (nhiễm khuẩn, ho hen, tiêu chảy…) thì đương nhiên phải được bổ sung vitamin và khoáng chất.

- Trẻ biếng ăn dài ngày.

Hậu quả của việc thiếu vi chất

Khi cơ thể bị thiếu vitamin và khoáng chất, trẻ sẽ chậm lớn, mắc một số bệnh, chẳng hạn:

Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; Thiếu vitamin B1 dễ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim; da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn.

Thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn; vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động; Thiếu vitamin K dễ bị xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não, màng não;

tre thieu vi chat 1

Bổ sung đầy đủ vi chất giúp trẻ khỏe mạnh

Thiếu vitamin D và canxi sẽ bị còi xương; chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy; Thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị thấp lùn, biếng ăn, dễ bị bệnh nhiễm trùng, dễ mắc các bệnh ngoài da; Thiếu fluor dễ mắc bệnh răng miệng; Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu…

Bổ sung vi chất cho trẻ như thế nào?

Nếu con bạn không may rơi vào nhóm trẻ có nguy cơ bị thiếu vitamin và khoáng chất, thì bổ sung các chất này cho trẻ là việc làm cần thiết.

Ngoài ra, nếu bạn nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin và khoáng chất. Nhưng, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng, vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào.

Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể phải dùng liều cao hơn, trường hợp này phải uống theo sự chỉ dẫn của BS nhi khoa. Vì vậy các bậc phụ huynh cần phải biết nhu cầu hàng ngày các vitamin và khoáng chất này là bao nhiêu.

- Các chế phẩm Vitamin và vi chất dinh dưỡng đơn lẻ thường có hàm lượng rất cao, như Vitamin B12 loại 5.000-10.000mcg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hằng ngày), Vitamin C 1.000mg, nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hằng ngày)... khi sử dụng cần tham khảo và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc.

Bổ sung vi chất bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm

Việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải cho trẻ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

bo sung vi chat cho tre

Bổ sung vi chất bằng cách cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm

Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà; Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót.

Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, pho mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.

Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát.

Các thức ăn như tiết bò, tiết lợn, gan động vật, bầu dục, thịt bồ câu, đậu tương, vừng, đậu trắng… là những thực phẩm rất giàu chất sắt. Còn những thức ăn có nhiều vitamin A lại tập trung ở các loại rau lá có màu xanh thẫm, các loại củ quả có màu vàng…

Ngoài ra, việc chế biến, lưu trữ thực phẩm không đúng cách cũng làm mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất: rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C, gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn…

Tóm lại, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, ngoài bổ sung vi chất ra, điều quan trọng là bữa ăn của trẻ cần có nhiều loại thức phẩm khác nhau, thường xuyên thay đổi cách chế biến để trẻ ngon miệng, đủ chất. Các thực phẩm có nguồn gốc động vật như: thịt, trứng, sữa có nhiều vitamin A, sắt, kẽm;  tôm, cua, cá có nhiều can xi. Nhưng cần chú ý để trẻ hấp thu được sắt cần cho trẻ ăn rau xanh, hoa quả chín để tăng nguồn vitamin C. Vitamin A, D là vitamin tan trong chất béo, vì thế  bữa ăn của trẻ cần có dầu ăn hoặc mỡ để tăng hấp thu, chuyển hoá vitamin A, D.

(theo dinhduong)

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading