Những ảnh hưởng của sức khỏe khi thừa hoặc thiếu vitamin C

Thứ Sáu, 19/10/2012 10:16

2,665 xem

0 Bình luận

(0)

1502

Vitamin C là thành phần quan trọng có tác dụng trong sự trưởng thành của các sợi collagen (protein sợi của mô liên kết gân, dây chằng, tổ chức dưới da, xương, sụn…) bởi quá trình hydroxy hóa lisin và prolin...

Vitamin C, tên hóa học là acid ascorbic, phân bố rộng rãi trong các mô cơ thể, khoảng 25% kết hợp với protein trong huyết tương. Trong cơ thể, vitamin C thực hiện hai chức năng chính là đồng yếu tố (cofactor) của các enzym thúc đẩy các phản ứng sinh hóa và chống ôxy hóa.

Vai trò của vitamin C

Vitamin C là thành phần quan trọng có tác dụng trong sự trưởng thành của các sợi collagen (protein sợi của mô liên kết gân, dây chằng, tổ chức dưới da, xương, sụn…) bởi quá trình hydroxy hóa lisin và prolin. Nếu thiếu vitamin C sẽ ảnh hưởng đến sự tổng hợp collagen, đặc biệt là trong các mao mạch, mô liên kết, mô xương… khiến cho vết thương lâu lành, thành mạch yếu dễ dẫn đến xuất huyết ở các mức độ khác nhau (vỡ mao mạch gây nhiều đám xuất huyết dưới da, đám bầm tím, chảy máu chân răng…).

Vitamin C là chất khử trong cơ thể, ức chế nhanh các gốc tự do được sản sinh trong quá trình dị hóa các tế bào, ngăn ngừa sự ôxy hóa vitamin A, vitamin E và các acid béo không no. Vitamin C làm cho sắt (hóa trị 2) duy trì được trạng thái hoàn nguyên tăng hấp thu, chuyển dịch, tồn trữ sắt trong cơ thể. Do vậy, thiếu vitamin C là nguyên nhân trong chứng thiếu máu nhược sắc do thiếu sắt.

Mặt khác, nó còn làm cho canxi trong ruột tạo thành hợp chất tan, cải thiện tỉ lệ hấp thu canxi vào cơ thể. Vitamin C còn chuyển hóa cholesterol trong cơ thể thành một sulfat tan trong nước để bài tiết; tham giaphản ứng hydroxyl của cholesterol thành acid cholic giảm hàm lượng cholesterol trong máu.

Vitamin C có nhiều trong vỏ thượng thận, tham gia tổng hợp chất nội tiết (hormon) corticosteroid, nó cũng cần cho sự tổng hợp hormon tuyến giáp. Ngoài ra, vitamin C còn tham gia tổng hợp acid amin não của tập hợp dopamin, nor – adrenalin và adrenalin từ phân tử tyrosin.

Trong chức năng miễn dịch: Vitamin C tham gia tổng hợp kháng thể gamma globulin, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, thúc đẩy sự sản xuất bạch cầu chống vi khuẩn, virut. Nhiều nghiên cứu cũng thấy, vitamin C còn có tác dụng đề phòng và giảm quá trình phát triển ung thư, giúp chống stress, giúp tế bào gan giải độc…

Nhu cầu của cơ thể


Cũng như nhiều vitamin khác, cơ thể không tự tổng hợp được mà phải được cung cấp qua thức ăn, đặc biệt rau quả tươi rất giàu vitamin C. Ăn là chủ yếu, chỉ khi cần thiết (ốm đau, kém ăn…) mới dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng có vitamin C.

Theo khẩu phần dinh dưỡng được khuyến khích (RDA), nhu cầu vitamin C là 60mg/ngày. Nhu cầu này tăng lên với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bú, giai đoạn cần tăng trưởng nhanh (thiếu niên tuổi dậy thì), người già, người làm việc ở môi trường nhiệt độ cao…

Vitamin C được hấp thu chủ yếu ở ruột non, với lượng 60 – 180mg/ngày được hấp thu hoàn toàn. Nếu cung cấp trên số lượng này thì sự hấp thu sẽ thấp dần, tỉ lệ nghịch với lượng vitamin C đưa vào. Thời gian bán hủy của vitamin C là 8 – 40 ngày, nó được thải chủ yếu qua nước tiểu, một phần nhỏ qua phân và mồ hôi. Lượng vitamin C sau khi hấp thu vào cơ thể, được dự trữ một phần trong gan, thận (để dùng khi nguồn cung không đủ), tổng lượng dự trữ khoảng 1.500mg, hằng ngày luân chuyển 35 – 45mg.

Khi thiếu hoặc thừa vitamin C

Khi thiếu vitamin C, cơ thể sẽ phát sinh một số bệnh đặc trưng. Sức chống đỡ của các mao mạch giảm, có các điểm xuất huyết rải rác ở da. Ban đầu, thiếu vitamin C thường có các dấu hiệu không điển hình, chủ yếu là mệt mỏi, suy nhược. Khi bệnh phát triển, một số triệu chứng sẽ xuất hiện như tăng sừng hóa quanh lỗ chân lông, ban xuất huyết, đau ở các chi, chảy máu xung quanh các nang lông (thường ở chi dưới như đầu gối, bàn chân, mặt sau đùi, ở các chỗ hay bị đè ép, va chạm). Hiện tượng chảy máu dưới da và trong cơ xuất hiện ở vùng bả vai, mắt cá, cùng với chảy máu dưới màng xương, màng phổi. Mặt khác, khi thiếu vitamin C, sức đề kháng của cơ thể giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và viêm phổi. Các vết thương cũng như gãy xương rất lâu lành.

Tuy nhiên, nếu cơ thể quá thừa vitamin C cũng không tốt. Nếu dùng vitamin C liều cao (quá 1 gam/ngày) và dài ngày có thể bị viêm loét dạ dày, tiêu chảy và đau bụng, ngoài ra còn có thể đọng oxalate, urat dễ gây sỏi thận. Nếu dùng đường tiêm liều cao có thể gây tán huyết làm giảm thời gian đông máu.

Khi cần thiết phải dùng đến vitamin C, không nên uống vào chiều tối vì nó gây kích thích gây mất ngủ. Không dùng đồng thời vitamin C với sulfamid (thuốc kháng khuẩn) vì có nguy cơ kết tủa gây sỏi đường tiết niệu.

Không dùng vitamin C với deferoxamin vì làm tăng độc tính của sắt với các mô, đặc biệt mô tim có thể dẫn tới tim mất bù.

Chỉ những người ốm yếu, không ăn uống được mới cần bổ sung vitamin C bằng thuốc tiêm hoặc uống. Với người bình thường, nên tăng cường vitamin C thông qua lương thực, thực phẩm bởi đây là cách bổ sung rất hiệu quả, tốt nhất và kinh tế nhất. Dù có ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C đến như thế nào cũng không bao giờ xảy ra hiện tượng thừa vitamin C như trường hợp tiêm hoặc uống viên vitamin C.

(theo baomoi)

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading