Những quán vỉa hè có tuổi đời nửa thế kỷ ở Sài Gòn

Thứ Tư, 24/10/2012 11:18

2,162 xem

0 Bình luận

(0)

4524

Điểm chung giữa các quán ăn này thường không có bảng hiệu, tồn tại ở góc phố hay trong con hẻm nhỏ nào đó. Quán bình dân nhưng chất lượng món ăn thì không bình dân. Trong thời buổi mà quán ăn, nhà hàng mọc lên như nấm sau mưa, các địa điểm ăn uống vỉa hè này vẫn tồn tại như thách thức mọi đổi thay của xã hội.

1. Bánh đúc vỉa hè hơn 40 năm tuổi

Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần ngã tư với đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận). Quán bắt đầu bán từ những năm 70 của thế kỷ trước, được rất nhiều người biết đến bởi loại bánh đúc ngon, giá cả bình dân. Người ăn có thể thưởng thức tại quán hoặc mua hộp mang về.

Quán bình dân nhưng chất lượng món ăn ngon. Bánh đúc ở đây hấp dẫn bởi màu bánh vàng mơ, đúc nóng được múc vào chén, cho vào một ít nhân thịt băm xào với mộc nhĩ, hành tây và hành phi. Một chén bánh đúc nóng, thêm vào nước mắm và ớt xay nữa, vậy là đã đủ đánh thức bao tử của bạn.

Bánh mềm, nhân thơm và nước mắm ngon, tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn mang lại vị ngon khó tả và không cảm thấy ngán.

2. Bột chiên Phùng Khắc Khoan

Chủ nhân quán vỉa hè này là một đôi vợ chồng già ngoài 60 tuổi, hai ông bà đã gắn bó với xe bột chiên suốt gần 30 năm qua. Không hàng quán, chỉ đôi ba chiếc bàn được dọn trên vỉa hè ngay góc đường Phùng Khắc Khoan - Điện Biên Phủ (quận 1), chiếc xe bột chiên cũ kỹ như chính tuổi đời của hai vợ chồng.

Cũng như bao xe hàng rong khác ở Sài Gòn, bột chiên ở đây có đầy đủ các thành phần như bột, trứng, đu đủ bào sợi và nước tương. Bột pha với một công thức riêng nên bột chiên xong có màu trắng đục, giòn bên ngoài, mềm bên trong mà không bở.

Đĩa bột chiên bắt mắt, thơm phức với màu vàng của trứng, màu trắng đục của bột, bên trên là màu xanh của hành lá, màu trắng của đu đủ thái sợi. Chén nước tương làm món ăn thêm đậm đà và thơm ngon.

Trong những thực khách thường xuyên đến ăn, có rất nhiều người diện quần áo sang trọng, đi xe hơi.

3. Mì vịt tiềm Phan Đình Phùng

Mì vịt tiềm không thiếu ở Sài Gòn, nhưng với những thực khách sành ăn thì quán mì ở góc đường Nguyễn Trọng Tuyển - Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) là địa chỉ quen thuộc không thể bỏ qua.

Quán có tên là Huê Viên, ra đời vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Đến nay, mì vịt tiềm của quán vẫn giữ nguyên được chất lượng cũng như hương vị gia truyền, giúp quán thu hút rất đông thực khách vào mỗi buổi chiều tối.

Phần thịt vịt trong bát mì được nhiều người ưa thích. Vịt sau khi làm sạch được ướp với các gia vị phụ như hạt sen, táo tàu, đinh hương, quế... thêm một ít nước tương và mật ong để có màu và thơm ngon. Sau khi thấm gia vị, vịt được chiên giòn bên ngoài rồi hầm cho chín mềm.

Bên cạnh phần vịt tiềm, bát mì cũng thơm ngon với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn tạo cảm giác không ngấy.

4. Quán chè 70 năm tuổi

Ra đời từ những năm 30 của thế kỷ trước, quán chè Châu Giang còn có tên gọi bình dân khác là chè "nhà đèn", địa chỉ quen thuộc của những người mê chè người Hoa.

Nằm lọt thỏm trong khu thương xá Đồng Khánh (quận 5) ngập tràn những cửa hiệu thời trang sầm uất, quán chè ở đây cứ lặng lẽ tồn tại như thách thức những thay đổi của cuộc sống. Tuổi đời của quán đã hơn 70 năm, trải qua bốn thế hệ chủ nhưng vẫn giữ được chất lượng thơm ngon của món ăn như những ngày đầu. Thời gian mở cửa hàng ngày của quán cũng không thay đổi, vẫn là 4h chiều và kết thúc vào lúc 12h đêm, đều đặn trong suốt gần thế kỷ.

Thực đơn quán có hơn 20 món chè đặc trưng của người Hoa. Từ những món quen thuộc như: sâm nổ lượng, chè mè đen, chè trôi nước... đến các món lạ như quy linh cao, chè hạnh nhân, chè bạch quả hay hột gà trà... tất cả đều thơm ngon và bổ dưỡng.

(Theo Vnexpress)

Danh mục bài viết Lựa chọn nhà hàng

Đang tải dữ liệu loading