Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm gần Tết

Thứ Ba, 27/11/2012 10:38

1,539 xem

0 Bình luận

(0)

1094

Càng gần Tết Nguyên đán vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng trở nên "nóng" hơn. Thực tế, thực phẩm bẩn bị phát hiện và xử lý là con số rất nhỏ so với số thực phẩm không rõ nguồn gốc hằng ngày, hằng giờ đang lưu hành trên thị trường. Các thương lái bất chấp mọi thủ đoạn để nhập hàng kém chất lượng về tiêu thụ và sử dụng các loại chất kích thích cho động, thực vật.

Chỉ còn hơn 2 tháng là đến Tết Nguyên đán, ATVSTP nông sản, thủy sản càng trở nên nóng, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Mặc dù, các ngành chức năng đã ráo riết kiểm tra, nhưng việc xử lý vẫn chỉ như "muối bỏ biển".

Từ rau, thịt, cá… đều tồn dư chất cấm

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Xuân Hồng cho biết, trong tháng 10, Cục BVTV đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành lấy 50 mẫu rau sống (xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi) tại TP. HCM và Hà Nội để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng trong 11 hoạt chất sử dụng phổ biến có nguy cơ nhiễm chì và asen. Kết quả có 29/50 mẫu (58%) phát hiện có dư lượng thuốc BVTV; 20 mẫu (chiếm 40%) phát hiện có kim loại nặng.

Đối với rau tươi, hiện có khoảng 6-7% lượng rau xanh trên thị trường có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, 40% mẫu rau, giá đỗ có thành phần vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Trong nhóm rau ăn lá thì cải, muống, ngót có tỷ lệ dư lượng vượt mức tối đa cho phép cao hơn các loại rau ăn lá khác. Trong số 25 hoạt chất thuốc BVTV người dân sử dụng, phát hiện dư lượng tối đa vượt mức cho phép, tần suất cao nhất là chất cypermethrin, acephate, permethrin, fipronil… Trong đó chất cypermethrin là một trong những loại thuốc trừ sâu độc hại cấm dùng trên rau nhưng nông dân ở nhiều địa phương vẫn cố tình sử dụng.


Nhiều loại thực phẩm có hàm lượng chất BVTV cao

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng vừa kiểm tra việc thực hiện các quy định trong sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Tại tỉnh Quảng Nam, đoàn kiểm tra đã lấy 28 mẫu phân tích protein, lipid, melamine, đã phát hiện sản phẩm của 3 công ty có chỉ số protein, lipid không đạt chất lượng, lực lượng liên ngành đã xử phạt 60 triệu đồng... Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, hiện nay Cục đang kiểm tra nguồn thông tin người chăn nuôi sử dụng thuốc an thần tiêm cho lợn trước khi giết mổ làm cho thịt lợn dẻo, tươi lâu và ướt hơn nhằm bán được giá hơn. Còn theo khảo sát của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, trong hơn 500 mẫu rau quả mà Cục kiểm tra thì có trên 6% nhiễm thuốc BVTV bị cấm sử dụng; 30% số mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật nguy hại và gần 2% thủy hải sản có tồn dư hóa chất cấm.

Tại Hà Nội, trong tháng 11-2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã giám sát, phân tích 28 mẫu gồm 15 mẫu rau và 13 mẫu quả. Trong đó có 1 mẫu rau vượt mức giới hạn tối đa cho phép dư lượng thuốc BVTV; 4 mẫu rau và 7 mẫu quả vượt mức giới hạn cho phép vi khuẩn E.coli. Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt hành chính 6 đơn vị vi phạm về ATVSTP, với số tiền trên 25 triệu đồng. Cũng trong tháng 11, Chi cục Thú y Hà Nội đã tịch thu và tiêu hủy 25 trường hợp động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc với số lượng 2.332kg.

Siết chặt công tác quản lý


Thuốc BVTV vẫn được sử dụng tràn lan

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, để xử lý triệt để vi phạm về ATVSTP cần phải có chế tài đủ mạnh. Hiện nay, việc xử phạt các đối tượng chỉ dừng ở mức độ hành chính nên "nhờn luật".

Do đó, từ nay đến hết năm 2012, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản sẽ phối hợp với một số đơn vị của ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện, trình Bộ NN&PTNT ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản để kiểm soát, xử phạt vi phạm hiệu quả hơn trong lĩnh vực này. Bộ NN& PTNT cũng đã yêu cầu các cơ quan thú y phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền cấm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn sử dụng thuốc an thần để tiêm cho lợn trước khi giết mổ.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, đặc biệt là việc buôn bán, tiêu thụ thịt lợn tại các chợ, siêu thị. Từ nay đến hết tháng 12, Bộ NN&PTNT xác định trọng tâm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm thiết yếu tiêu thụ nhiều trong dịp tết gồm: mực khô, rau sống, thịt và mật ong. Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản nhanh chóng hoàn thiện và trình Bộ NN&PTNT đề án "xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc" để áp dụng vào thực tế, tuyên truyền người dân nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

(Theo Hanoimoi)

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading