Nhớ lắm Tết xưa

Thứ Tư, 23/01/2013 03:09

1,702 xem

0 Bình luận

(0)

3101

Một mùa xuân nữa lại về, cứ thế lòng thêm chút rộn ràng, chút bâng khuâng khó tả, điều đó có lẽ không chỉ của riêng ai, nhất là với những người hay hoài niệm với Tết xưa.

Không ai rõ người Việt ta bắt đầu ăn Tết từ bao giờ nhưng ai cũng biết cứ mỗi độ xuân về khi hoa đào, hoa mai mới khoe những sắc nụ đầu tiên thì hết thảy già, trẻ, gái, trai, người giàu, người nghèo đều háo hức đón Tết đến. Tết không chỉ là dịp để người ta "ăn Tết", "chơi Tết" mà quan trọng hơn đó còn là cơ hội để mọi người cùng tề tựu bên đại gia đình, thắp cho ông bà, tổ tiên nén hương, thăm hỏi lẫn nhau sau một năm làm ăn xa cách ...

Tết của những ngày xưa có mùi rất đặc trưng, mùi thơm của pháo. Mùi pháo quyện với mùi hương, mùi bánh chưng mới luộc làm nên mùi của Tết. Từ ngày không còn được nghe thấy tiếng pháo, ngửi mùi pháo và nhìn thấy xác pháo hồng tràn ngập khắp nơi, cảm giác về Tết khác hẳn, trống rỗng và nhẹ bẫng hẳn đi.

Tết xưa, chiều 30 Tết là một khoảng thời gian hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với người Việt, mọi người tề tựu về bên đại gia đình của mình cùng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cùng ăn bữa cơm Tất niên chung vui. Đây là mốc thời gian đánh dấu những ngày lễ Tết chính thức được bắt đầu. Và, cuối cùng thì cái thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy cũng đã đến, năm mới, xuân mới cũng đã sang, ông bà phát cho con cháu tiền lì xì mừng tuổi đầu năm, ai hay chữ nghĩa thì khai bút, còn lại thì đi hái lộc, xin lộc đầu năm… 

(Nguồn: Internet)

Sáng mồng một Tết công việc đầu tiên là làm cỗ cúng Gia tiên và cúng cả táo quân, thổ công, nghê sư... Mâm cổ dù to hay nhỏ cũng đều phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành. Có nhà dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông Vải. Ngày đầu tiên của năm mới nên việc ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì xúi quẩy cả năm. Quét dọn trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi sợ phải chuốc lấy cái nghèo. Sau khi cúng Gia tiên thì con cháu biếu một vài xu hoặc một vài hào mừng tuổi ông bà, cha mẹ, người lớn cũng mừng tuổi con trẻ chúc cho năm mới "chân cứng đá mềm". Anh em, họ hàng, người quen thuộc đến nhà nhau chúc Tết, chúc cho mọi sự như ý, buôn bán phát tài, thăng quan tiến chức, sinh năm đẻ bảy... Bạn bè thì đến với nhau uống chén rượu, chén trà, vài ba hạt dưa, vài miếng bánh mứt mừng năm mới.

Đến ngày mồng hai Tết trở đi, người ta chọn hướng và giờ xuất hành. Người thì hái nhành hoa hoặc cành cây về cài vào cửa, gọi là hái lộc. Người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở hàng, nhà nông thì chọn ngày động thổ cày cuốc.

Tết là dịp bày tỏ lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ. Vì vậy, ngày mồng hai Tết con thứ thường mang thức ăn về biếu cha mẹ. Nếu cha mẹ đã mất thì làm cổ đem đến nhà con trưởng để cúng cha mẹ.

(Nguồn: Internet)

Ngày mồng ba Tết cũng như ngày mồng hai, bạn bè, hàng xóm, bà con đến thăm nhau, chúc tụng hoặc đi du xuân, thưởng xuân, đi lễ chùa.

Đến ngày mồng bốn thì hóa vàng. Cũng có nhà để đến mồng bảy mới hóa vàng gọi là cúng tiễn ông vải. Hôm ấy con cháu họp mặt đông đủ vui vẻ với nhau.

Ngày xưa trong mấy ngày Tết ngày nào cũng đốt pháo, nhất là đêm giao thừa. Theo tục lệ người Việt, người ta quan niệm đốt pháo là thể hiện sự vui mừng chứ không có ý trừ ma quỷ.

Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến Xuân về không thể thiếu câu đối đỏ, tranh vẽ Đông Hồ dán trước cửa, bàn thờ gia tiên là cây hoa, chậu cảnh. Nhắc đến Tết xưa, người ta cũng không thể không nhắc tới hội hè, hát xướng, chơi bài tổ tôm, lúc lắc thò lò hoặc lễ bái chùa này, miếu nọ. Cũng có nơi tụ tập đá gà, chọi trâu, thi thả hoa đăng, xem đua ghe, hát bội...  

Bao năm rồi với cái Tết nay vừa náo nhiệt, vừa lộng lẫy với đèn hoa rực rỡ, cần là có các thứ: nào bánh trái, hoa quả, đủ các loại. Chỉ việc cầm tiền ra cửa hàng hay chợ thế là xong, thật gọn nhẹ không cầu kỳ cũng chẳng nhọc công gì cả.

Cũng một cái Tết đủ đầy sung túc như bao người, nhưng vẫn cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó gọi là Tết xưa. Thế mới có câu, con người ta dù đi đâu, về đâu, dù có thay đổi hoàn cảnh sống thế nào, cũng luôn nhớ về những gắn bó ngày xưa.

www.amthuc365.vn tổng hợp

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading