Nhớ biết bao hũ dưa ngày Tết

Thứ Bảy, 02/02/2013 10:45

1,577 xem

0 Bình luận

(0)

4307

Khoảng vài ngày trước 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, má đã tất tả ra chợ mua nào là củ kiệu, cà rốt và đu đủ xanh. Đu đủ phải chọn quả không chín hườm bên trong mới giòn. Củ kiệu má thường chọn củ nhỏ vì sẽ thơm hơn, tuy cắt gọt sẽ mất công hơn.

Những năm má còn sống, nhà mình lúc nào cũng có một hũ dưa món ăn từ đầu Tết cho đến ra Giêng.

Sau khi gọt rửa cà rốt sạch sẽ, củ kiệu ngâm với tro qua đêm cho thêm giòn và trắng, má tập họp mấy chị em ngồi xung quanh những thau lớn nhỏ chứa đầy nước để gọt củ kiệu, tỉa cà rốt và đu đủ. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng mấy chị em nói chuyện đùa giỡn cũng qua nhanh. Má quan sát chỉ cho tôi không gọt phạm quá vào phần gốc kiệu sẽ làm kiệu bở, mà cũng không gọt “nhín nhín” như chị kế của tôi, củ kiệu còn tua tủa rễ nhìn không đẹp. Cà rốt thì tỉa hình bông hoa hoặc cây thông, đu đủ thì xắt miếng nhỏ hình cánh hoa rơi rất đẹp mắt. Xong đâu đó, má cho từng món vào những thau nước riêng và rửa lại cho thật sạch, rồi cho vào các rổ lớn để cho ráo nước.

Những ngày này, má thường ra ngoài sân miệng nói nhỏ cầu trời cho thật nhiều nắng. Hẳn nếu còn ở quê với bà ngoại thì chắc má chẳng phải lo lắng nhiều vì miền đất ấy gắn liền với biển và nắng. Còn ở Sài Gòn thì đúng là bữa nắng bữa mưa, có khi không mưa nhưng trời cứ ui ui không nắng cũng làm má lo lắng. Sau khi củ kiệu, cà rốt và đu đủ đã ráo nước, má xếp mỗi thứ vào một cái mâm nhôm. Đợi cho nắng thật gắt, má kêu mấy chị em xếp mấy cái mâm lên mái hiên. Thỉnh thoảng, khoảng hai ba tiếng đồng hồ, má lại lên mái hiên để đảo lại. Phải đảo đều tay để củ kiệu trắng và giòn, còn đu đủ và cà rốt cũng chỉ vừa khô đều hai mặt mà không bị héo quắt do phơi quá nắng. Khi nào bưng mâm củ kiệu xuống mà thấy chúng còn trắng tinh, khô vừa đều, không bị héo quắt hay còn ẩm, là má vui lắm.

Trong khi đợi phơi củ kiệu, má đã nấu sẵn nước mắm với đường cát trắng. Những năm khó khăn, không hiểu sao lúc nào má cũng có sẵn mấy ký đường cát trắng tinh để dành cho hũ dưa món và làm mứt Tết. Nước mắm ngon do bà ngoại gửi vào cũng được má cất sẵn trong bếp. Nước mắm nấu đường để cho thật nguội xong, má nhẹ tay trộn đều ba thứ củ kiệu, cà rốt và đu đủ, cho tất cả vào một cái hũ rộng miệng đã lau rửa và phơi nắng thật khô, rồi từ từ chế nước mắm vào cho đến đầy miệng hũ, má nén xuống bằng một miếng nan tre, để khoảng một tuần sau là vừa đúng đêm giao thừa.

Giao thừa đến, ba tôi hân hoan mở những cái bánh tét đầu tiên. Má thì múc dưa món ra hai cái đĩa nhỏ có viền hoa màu đỏ cam chỉ để dùng vào dịp lễ Tết. Hai món ăn này lúc nào cũng đi đôi với nhau.

Tàn nhang, cả nhà ngồi xuống thưởng thức hai món của hai vị “thủ lĩnh”, chị em tôi thì cứ cắn vào mấy miếng củ kiệu, cà rốt và đu đủ khen lấy khen để, còn ông anh theo “phe ba” chụm củi nấu bánh tét thì lại khen nức nở bánh tét chín đều, đậu xanh bùi và nhân thịt béo ngậy.

(Theo PNO)

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading