Bánh tro

Thứ Sáu, 01/03/2013 02:07

1,489 xem

0 Bình luận

(0)

2191

Chiếc bánh nhỏ xíu, thuôn dài ấy trông thế thôi nhưng không phải dễ làm. Người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng cho lũ trẻ chúng tôi thưởng thức.

Đã lâu lắm mình không ăn lễ “giết” sâu bọ ở nhà vì thường rơi vào ngày đi làm. Sáng nay, mình cũng dậy thật sớm để đi chợ, mua hoa quả, rượu nếp và bánh tro (bánh gio) về ăn cho đỡ nhớ nhà. Cầm chiếc bánh tro trên tay, tự dưng muốn trở về ngày xưa quá, cái thời bé xíu, tuổi thơ vẫn quẩn quanh bên mẹ, bên bếp lửa, bên những chiếc bánh tro thơm nồng…

Hồi ấy, chẳng cứ gì Tết Đoan Ngọ, cứ mỗi chiều mẹ đi chợ, lại xách về một túi bánh tro, món quà mà chị em tôi thích nhất. Cái cảm giác háo hức, tháo từng sợi dây nhỏ nhắn, rồi bóc lớp lá dong, thấy chiếc bánh xinh xinh có sắc vàng pha nâu trong trẻo, óng ánh tới mức nhìn rõ dáng hình hạt gạo nếp cái hoa vàng nở đều tăm tắp hiện ra, vẫn luôn hiện hữu trong tôi đến tận bây giờ.



Chiếc bánh nhỏ xíu, thuôn dài ấy trông thế thôi nhưng không phải dễ làm. Người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng cho lũ trẻ chúng tôi thưởng thức.

Và có được thứ nước tro trong, thoang thoảng vị nồng ấy, người làm bánh phải lấy rơm nếp sạch đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa thêm chút vôi. Khi nước tro lắng lại, chắt lấy phần nước trong, bỏ cặn. Gạo nếp sau khi vo, đãi sạch sẽ được ngâm trong nước tro khoảng 3-4 tiếng và vớt ra, để ráo nước, đợi gói. Lá chuối hoặc lá dong cũng được rửa sạch, chần qua cho mềm rồi mới đem lau khô và làm bánh.



Nhưng với tôi, một đứa trẻ hồn nhiên ngày xưa ấy làm gì có thời gian để nghĩ xem bánh làm như thế nào, chỉ biết vô tư ăn, tận hưởng hương vị thơm nồng của nó. Tôi thích nhất cảm giác chấm ngập cái bánh tro vào bát mật mía mẹ mới đun nóng rồi vội vàng thả chiếc bánh vào miệng. Dường như với những đứa trẻ như tôi ngày ấy, thật giản dị, đó chính là hạnh phúc.

Bánh tro (gio) được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Do quan niệm ông cha ta từ xưa, tháng 5 âm lịch là lúc "độc trời" nhất trong năm, vì mùa hè oi bức, dễ sinh bệnh dịch, cho nên các món ăn chế biến cần có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ, tác dụng là cho dễ tiêu, giải nhiệt.



Bánh tro còn được gọi là bánh gio, hay bánh ú tro hình thuôn dài hoặc hình chóp tam giác, tùy nơi gói. Bánh tro có cả loại có nhân nhưng tôi vẫn thích nhất loại bánh không nhân và cảm giác ngọt ngào khi ăn nó với mật mía. Có lẽ, cái màu vàng nâu giản dị, thanh khiết và trong suốt lẫn vị thơm nồng của bánh đã đi sâu vào ký ức của tôi. Để bây giờ, trong cuộc sống hiện đại đầy tất bật này, mỗi khi vô tình nhìn thấy thứ bánh dân dã, đơn sơ, tôi lại ước được trở về bên mẹ, thanh thản, vô tư… như những ngày xưa ấy.

Theo Eva.vn

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading