Nhớ về bánh lòng

Thứ Năm, 07/03/2013 12:04

3,911 xem

0 Bình luận

(0)

4368

Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia. Chính bởi sự cầu kỳ, công phu mà ngày càng ít hộ gia đình trong hai xã An Phụ và An Sinh thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương còn tiếp tục làm.

Bánh “lòng” khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,... bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi An Phụ dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được.

Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia. Chính bởi sự cầu kỳ, công phu mà ngày càng ít hộ gia đình trong hai xã An Phụ và An Sinh thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương còn tiếp tục làm.

Trước khi bắt tay vào đổ khuôn cho bánh, một số nguyên liệu cần phải sơ chế sẵn như gạo nếp cái hoa vàng được nổ thành bỏng rồi đập vụn càng nhỏ càng tốt, gừng được cạo và rửa sạch, đến công đoạn đóng khuôn, lạc được rang thơm, sẩy sạch vỏ, gừng giã nát đem nấu sôi cùng với nước đường. Ngày xưa, người dân thường nấu đường đen (đường mía trước khi tinh luyện) chứ không phải đường kính trắng như hiện nay nên làm cho bánh có màu đen và khi nấu phải mất thời gian hớt bọt.



Nước đường và gừng vừa bắc ra được đổ ngay vào chậu đã chứa hỗn hợp bỏng, lạc rồi đảo cho đều và nhuyễn, công đoạn này rất quan trọng bởi chỉ cần đảo không đều hoặc cho quá ít hay nhiều nước đường thì bánh sẽ bị khô khó tạo khuôn hoặc bị nát, sau một thời gian sẽ rất cứng, thậm chí phải dùng "dao rựa, chày" để cắt nhỏ. Hỗn hợp tạo thành được đổ vào khuôn bằng thép cứng to như khuôn gạch ba vanh. Người ta cầm chày giã liên tục cho nhuyễn và tạo thành khối đặc. Cuối cùng, bánh được gỡ khỏi khuôn rồi phủ một lớp bột bỏng gạo mịn chống dính, để nguội chờ đóng gói.

Bà Nguyễn Thị Vận, ngoài 70 tuổi, người xã An Sinh cho biết các cụ ngày xưa làm bỏng gạo bằng cách rang thóc nếp già đến khi nở thành bỏng rồi cho vào dần, nia sàng sạch vỏ trấu chứ không dùng máy nổ bỏng tiện lợi như bây giờ.

Phổ biến hơn ở An Sinh, xã An Phụ còn có thêm cả những người chuyên đóng bánh lòng thuê. Bánh “lòng” ở An Phụ có nhiều nét khác hơn bởi bỏng gạo được xay mịn thành bột. Ngoài ra, người ta còn cho thêm nhiều nguyên liệu khác như: vừng, mứt bí, mứt dừa, thảo quả, hồi, quế,... nhờ bột bỏng mịn nên bánh ở đây xốp chứ không dẻo quánh như bánh “lòng” An Sinh.

Khó có thể nói bánh lòng kiểu nào là ngon nhất bởi tùy sở thích của mỗi gia đình mà bánh lòng có thể thêm nhiều hay ít các thành phần. Bánh lòng có thể làm bất cứ dịp nào trong năm nhưng chủ yếu vào dịp Tết đến. Bánh vừa là món quà biếu giản dị, lại vừa có thể dùng để mời khách bên tách trà nóng ấm dưới thời tiết se lạnh ngày Tết thay cho bánh kẹo công nghiệp mà không hề gây ngán nhờ vị cay thơm của gừng, gạo nếp, vị bùi của lạc.

Theo baomoi

Danh mục bài viết Món ngon Hải Dương

Đang tải dữ liệu loading