Nông dân lo ngại dù atiso tăng giá

Thứ Sáu, 22/03/2013 02:29

1,330 xem

0 Bình luận

(0)

1578

Dù giá bông khô atisô ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tăng giá lên gấp hơn 3 lần so với cuối năm 2012, song nhiều người nông dân ở đây vẫn dẹp bớt vườn atisô của mình vì lo ngại đầu ra không ổn định.

Còn nhiều bấp bênh

Atisô được xem là cây đặc sản của Đà Lạt. Tuy nhiên, vì sự “khó tính” của loại cây trồng này nên Đà Lạt dẫu được xem là vùng đất lý tưởng nhất của atisô, ở thời điểm cao nhất tại đây cũng chỉ có khoảng trên dưới 100 ha. Theo thống kê của UBND TP.Đà Lạt, vào thời điểm hiện tại, diện tích atisô Đà Lạt chỉ còn không đến 70ha; trong đó tập trung ở vùng Thái Phiên – vùng trồng atisô lý tưởng nhất ở Đà Lạt.
Làm thế nào để nhà vườn Đà Lạt “quay lại” với cây atisô như trước đây đang là câu hỏi lớn.

Theo ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 (nơi có vườn hoa Thái Phiên), thời điểm cao nhất, cả phường cũng chỉ có khoảng 50ha atisô. Hoa và atisô là 2 loại cây trồng chính dành cho sự lựa chọn của nông dân phường 12. Trong 3 năm qua, giá atisô liên tục giảm sút nên nhiều nông dân ở vùng atisô Thái Phiên đã chọn cây hoa thay thế vườn atisô.

Chị Thu Hà - nông dân ở đây cho biết: “Trồng hoa, nếu được giá vừa vừa thì mỗi sào cũng thu được 150 – 200 triệu đồng; trong khi trồng atisô giỏi lắm cũng chỉ cho lợi dăm chục triệu đồng”. Bởi vậy, vườn atisô gần 0,3ha của chị đã bị thu hẹp một cách đáng kể trong 2 năm 2011 và 2012 vừa qua (hiện chỉ còn không đến 0,1ha).

Cũng theo ông Dinh, ngoài diện tích atisô của Công ty TNHH Trà và cà phê Vĩnh Tiến trực tiếp đầu tư cho nông dân khoảng 20ha tại Thái Phiên, thì diện tích loại cây trồng này trong dân là không đáng kể - chỉ khoảng 15ha. Giá cả là nguyên nhân chính khiến cho vườn cây atisô đặc sản Đà Lạt ở vùng rau hoa Thái Phiên bị thu hẹp. Không chỉ Thái Phiên mà cả vườn atisô Nam Hồ (Đà Lạt) cũng chịu chung số phận.



Đầu ra không ổn định

Hiện tại, giá atisô tăng cao gấp 3 lần so với cuối năm 2012. Song nhiều người dân vẫn lo lắng, vì giá atisô có thể giảm xuống bất cứ lúc nào, như năm 2012 có thời điểm giá chỉ còn 10.000 – 12.000 đồng/kg tươi. Theo chị Thu Hà, chị cũng chưa dám trồng thêm atisô, vì còn để xem giá cả diễn biến thế nào đã. Bởi với atisô thì một khi rớt giá là cứ kéo dài nên nhà nông không dám “đánh bạc”!

TP. Đà Lạt đã đưa ra chiến lược để phát triển vùng nguyên liệu atisô bền vững với khoảng trên 100ha theo chương trình phát triển cây dược liệu ưu tiên của Chính phủ, nhưng lộ trình này không mấy suôn sẻ bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn giống cây trồng của nhà vườn.

Trong cả nước, atisô là loại cây trồng tỏ ra cực kỳ khó tính (chủ yếu các giống được nhập từ Pháp) nên ngoài một vài vùng có diện tích khá nhỏ (như Sa Pa, Lào Cai) thì Đà Lạt của Lâm Đồng với độ cao trung bình 1.500m so với mặt nước biển và quanh năm mát mẻ được xem là vùng đất lý tưởng nhất Việt Nam để loại cây trồng này đứng chân.

Theo Dân Việt

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading