Chè lam Thạch Thất

Thứ Ba, 16/04/2013 07:38

4,292 xem

0 Bình luận

(0)

4633

Thạch Thất quê tôi chỉ cách Hà Nội vẻn vẹn 30km nên cũng chỉ mất chừng 1 tiếng đi xe máy là đã có thể bắt gặp những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình quen thuộc. Về quê tôi, tôi sẽ dẫn bạn đi thăm chùa Tây Phương với kiến trúc điêu khắc nổi tiếng, cùng tìm hiểu các làng nghề truyền thống và tất nhiên không thể không giới thiệu với bạn món bánh đặc sản chè lam truyền thống của quê hương.

“Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng. Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng. Nhớ thương làng quê, lũy tre bờ đê. Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ ...”

Giai điệu “Quê nhà” trong một buổi chiều cuối năm từ nhà ai đó cất lên khiến tôi lùi xa cái không khí ồn ào náo nhiệt của cuộc sống nơi thành thị, bỏ lại đằng sau sự tấp nập công việc để tìm về mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Không biết món chè lam quê tôi có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân quê tôi quan niệm nguồn gốc và lý do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như sự thành kính của phật tử. Nguyên liệu để chế biến nên món chè lam đều rất gần gũi với cuộc sống của làng quê Việt Nam. Khi thưởng thức người ta có thể dễ dàng cảm nhận cái vị dẻo dai của bột nếp cái hoa vàng, vị ngọt ngào của mạch nha hòa trộn với một chút cay của gừng, một chút bùi bùi của lạc và cả một chút ngậy của thịt lợn.

Muốn có một món chè lam thật ngon, đầu tiên người thợ làm bánh phải lựa chọn loại thóc nếp cái hoa vàng thật căng mẩy, được sàng sẩy cẩn thận trước khi cho vào rang. Điểm đặc biệt ở quê tôi, người dân luôn rang nguyên hạt thóc nếp vào chảo thật vừa lửa để gạo nở thành thành hạt bỏng trắng, thơm là được. Nếu rang gạo nếp như các nơi khác, bánh sẽ bị cứng nhanh nên khó giữ được lâu.



Sau đó người ta đem bỏng đi xay nhỏ rồi lọc lấy bột thật mịn, thật trắng. Có vậy bánh mới dẻo dai, thơm và ngon được. Khâu quan trọng nhất để chế biến nên bánh chè lam là khâu đun mật và chế biến gia vị. Người dân quê tôi dùng đường kính kết hợp với mạch nha để nấu thành mật. Để có một nồi mật thật ngon, ngoài việc cho thêm một số gia vị như gừng xay nhỏ sau khi đã gọt thật sạch, thịt nạc xay thành sợi thì người thợ làm bánh phải đun thật khéo sao cho đảm bảo được vị thơm, không bị đắng khét và nồi mật thật vàng óng khi sôi.

Sau khi đợi bọt sôi của nồi mật hết, người ta trộn với lạc đã nhặt thật sạch và bột bỏng rồi nhào thật kĩ cho đến khi đạt được độ dẻo và dai cần thiết. Sau đó bánh được nhào nặn thật kĩ sẽ cán vào khuôn rồi để nguội như những mảnh ruộng vậy. Cuối cùng bánh sẽ được chặt thành miếng vừa miệng, trộn với bột bỏng lần cuối trước khi đóng hộp.

Cứ mỗi dịp tết đến, đi dạo trong những con ngõ nhỏ trong làng cũng dễ dàng ngửi thấy mùi khói thơm bốc ra từ những chảo rang gạo và tiếng lách tách nổ bỏng ở khắp nơi. Chè lam quê tôi đơn giản là thế nhưng được xem như một món quà đậm đà hương vị quê hương được nhiều người yêu thích. Mang những hộp bánh thơm ngon vừa mới hoàn thiện dành tặng cho bạn bè và người thân, tôi lại trở về với nhịp sống đô thị hàng ngày.

Trong cái nhịp sống hối hả ấy, tôi chợt nhận ra những phút giây trở về quê hương dù ngắn ngủi để cảm nhận cái hương vị nồng nồng xen lẫn những cảm xúc bình dị mà ngọt ngào ấy mới giúp tôi thực sự trưởng thành được.

Càng đi xa quê hương mới càng thấy không nơi đâu bằng quê hương, Tổ quốc mình!

Theo vov

Danh mục bài viết Món ngon Hà Nội

Đang tải dữ liệu loading