Nhận Biết Hóa Chất Trong Thực Phẩm

Thứ Ba, 22/06/2010 10:05

1,256 xem

0 Bình luận

(0)

1328

Bằng mắt thường rất khó nhận biết các loại hóa chất nên các bà nội trợ hãy là người tiêu dùng thông thái khi chọn mua thực phẩm để cả gia đình được đón Tết an toàn và trọn vẹn.

Những ngày này, tại các chợ và siêu thị đều chật cứng người mua sắm Tết, đó cũng là cơ hội để các loại thực phẩm trôi nổi được tiêu thụ. Chúng tôi đã thông qua các chuyên gia cung cấp cho bạn đọc cách nhận biết các hóa chất thường dùng trong thực phẩm Tết và giải pháp để lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khỏe.


Bà Lê Thị Hồng Hảo - Ảnh: Tuyết Hạnh

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm, Bộ Y tế, bên cạnh những sản phẩm an toàn được sản xuất trên dây chuyền sản xuất hiện đại thì cũng có các loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhái nhãn mác được đưa ra thị trường. Ba nhóm hóa chất thường được cho vào thực phẩm là: nhóm phẩm màu; nhóm các chất bảo quản; nhóm hóa chất bảo vệ thực vật.

Phẩm màu thực phẩm

Là một nhóm những chất có màu được dùng làm phụ gia thực phẩm, để tạo ra hoặc cải thiện màu sắc của thực phẩm, nhằm làm tăng tính hấp dẫn. Có hai loại:

Phẩm màu tự nhiên: là các chất màu được chiết xuất ra hoặc được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên. Ví dụ: Caroten tự nhiên được chiết xuất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết suất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường...Nhóm này có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao...

Phẩm màu tổng hợp hóa học: được tạo ra bằng các phản ứng hóa học. Ví dụ: Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)... nhóm này đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt yêu cầu, nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép dùng trong thực phẩm. Các phẩm màu được bổ sung vào thực phẩm với mục đích tạo màu sắc đẹp, tăng tính hấp dẫn đối với người tiêu dùng mà hoàn toàn không có giá trị về dinh dưỡng. Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép sẽ gây độc hại cho sức khỏe.

Phẩm màu được sử dụng phổ biến trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, gia vị (tương ớt, ớt bột). Đặc biệt là mối nguy cơ cao đối với nhóm thức ăn đường phố: thịt quay, thịt nướng…

Vì vậy, người tiêu dùng không nên chọn những thực phẩm có màu quá sặc sỡ, lòe loẹt.

Chất bảo quản

Là các hóa chất tự nhiên hay tổng hợp được thêm vào thực phẩm để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại quá trình thối rữa, hư hỏng gây ra bởi sự phát triển của các vi sinh vật hay do các thay đổi không mong muốn về mặt hóa học. Chúng có thể được sử dụng như là hóa chất duy nhất mà cũng có thể có trong tổ hợp với nhiều loại hóa chất có các tác dụng khác.

Một số chất được phép sử dụng, nhưng trong thực tế, rất nhiều nhà sản xuất (không trang bị quy trình sản xuất đủ đáp ứng, nguyên liệu, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm) đã lạm dụng các chất bảo quản để kéo dài thời gian chờ phân phối trên thị trường. Vì vậy, chúng trở nên nguy hiểm cho người tiêu dùng. Việc gian dối tập trung trong nhóm hàng không nhãn hiệu, bao bì hoặc xuất xứ không rõ ràng. để nhận ra một loại thực phẩm bị lạm dụng chất bảo quản là chuyện không đơn giản với người tiêu dùng. Từ sau khi có các quy định về ghi nhãn hàng hóa, việc sử dụng các phụ gia vào thực phẩm và sử dụng liều lượng bao nhiêu đều phải ghi rõ trên bao bì. Không nhãn hoặc có nhãn nhưng không ghi rõ các nội dung này, hoặc ghi lập lờ thì người tiêu dùng cần phải cẩn trọng.

Thuốc bảo vệ thực vật Đây là các loại hóa chất do con người sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng. Các chất này có tính chất là được đào thải nhanh và không có tính chất độc hại khi liều lượng dùng nằm trong giới hạn cho phép. Nó còn có mục đích chăm sóc cho các loại rau, củ, quả được xanh, ngon, tươi, mỡ màng hơn bình thường.

Để phòng tránh ngộ độc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản rau quả người tiêu dùng cần chú ý: không mua, sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường; ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả tươi. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi.

Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi lẽ chỗ đó thường lõm lại. Nên ngâm rau rồi hãy rửa. Rau quả trên bề mặt có lớp biểu bì, nơi thấm hút rất nhiều hóa chất khi tưới lên. Ngâm, rửa rau sẽ loại bỏ phần lớn các chất này. Tốt nhất sau khi rửa vẫn nên ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím vì muối làm tăng quá trình hòa tan, khuếch tán các chất độc, đẩy chúng ra theo nước; còn thuốc tím là chất oxy hóa mạnh, làm oxy các chất hữu cơ (là thuốc trừ sâu...) tạo ra các chất khác ít độc hơn.

Nhiều bệnh hiểm nghèo


Ảnh: Tuyết Hạnh

Các hóa chất nitơ (phổ biến là nitrate) rất nguy hiểm cho sức khỏe con người khi có mặt trong các loại nông sản, lương thực và thực phẩm cũng như trong nước uống với liều lượng vượt mức quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Khi hàm lượng nitrate (NO3) trong nước uống và rau quả vượt quá mức sẽ gây ra các bệnh hiểm nghèo như: “hội chứng trẻ xanh” (Methemoglobinaemia) vì ăn rau nhiễm độc - xảy ra khi đứa trẻ 1 tuổi gây ra “tắc nghẽn hóa học” kìm hãm sự vận chuyển oxy trong máu làm cho đứa trẻ xanh xao, chậm lớn và gầy yếu. Đối với người lớn thì có nguy cơ bị ung thư dạ dày bằng việc tạo ra hợp chất Nitrosoamine trong cơ thể.

GS. Lê Doãn Diên
(Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading