Gỏi măng tôm thịt

Thứ Bảy, 05/09/2009 11:05

1,339 xem

0 Bình luận

(0)

3463

Theo y học cổ truyền, măng tre  có vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chỉ khát, tiêu đờm, nhuận táo, chống co thắt. Măng tre được dùng chữa sốt cao, ho, hen suyễn, thấp khớp…  Y học hiện đại cho thấy măng có đặc tính chống oxy hóa cao, cung cấp nhiều carbohydrate, dầu thực vật, chất đạm và vitamin B, hỗ trợ cho việc tuần hoàn máu... 

Măng tre có thể ăn tươi, làm chua, phơi khô; có thể nấu chung được với nhiều loại thực phẩm, từ thịt đến hải sản. Các món từ măng, nghe kể đã thèm: măng hầm giò heo, vịt xáo măng, bún măng thịt nướng, lẩu gà nấu măng, lươn um măng tươi, canh măng chua, gỏi măng… Ngoài măng tre, Việt Nam còn trồng khá phổ biến măng tây, có nguồn gốc từ châu Âu, du nhập vào Việt Nam khoảng 50 năm trước, được xem là một lọai Viagra thiên nhiên vì đọt măng tây giúp tăng “ bản lĩnh đàn ông “. Về dinh dưỡng, ngoài chất xơ, đạm, glucid, các loại vitammin, acid folid; măng tây còn chứa các khoáng chất cần cho cơ thể như: kali, canxi, sắt, kẽm...

Đa số các món quen thuộc chế biến từ măng đều phải tốn nhiều công sức, nhưng gỏi măng tôm thịt là món tương đối dễ thực hiện. Đây vừa là một món “mồi” hấp dẫn, vừa có thể dùng như món khai vị cho các bữa tiệc gia đình. 

Gỏi măng tôm thịt

Nguyên liệu chuẩn bị cho món này là 500gr măng Mạnh Tông, 200gr tôm đất, 200gr thịt ba chỉ, ít đậu phộng rang giã dập, nước mắm ngon, giấm, chanh, ớt, đường, muối, tỏi, rau răm.

Măng cắt miếng, luộc chín, để ráo, xắt mỏng. Cho vào măng ½ muỗng cà phê muối, ½ chén giấm, để 20 phút, vắt nhẹ cho ráo. Tôm hấp chín, bỏ đầu, giữ đuôi cho đẹp. Thịt luộc chín, cắt mỏng. Ướp tôm + thịt với muối + tỏi + tiêu. Rau răm xắt nhỏ. Làm nước mắm chua ngọt với tỏi, ớt, đường, nước cốt chanh để làm nước chấm. Cho tất cả vào thố, trộn đều. Cho ít nước chấm vào nêm để gỏi đủ vị mặn, ngọt, chua, cay. Chừa lại một ít tôm + thịt để trình bày trên mặt đĩa gỏi. Cho gỏi ra đĩa, xếp thêm tôm + thịt và rắc đâu phộng lên. Dọn kèm một đĩa bánh phồng tôm càng hấp dẫn.

Món gỏi măng tôm thịt còn có thể “cải biên” thành gỏi măng mực, nếu thay tôm thịt bằng mực. Mực làm sạch, khứa ca rô, cắt miếng vừa ăn. Ướp mực với gừng để khử mùi tanh. Luộc mực vừa chín với lửa lớn, cho ra rổ để ráo nước, sau đó trộn với măng.

Gỏi măng mực

Ngọc Duyên

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading