Sữa chua mít, trà sữa tuy ngon mà độc

Thứ Sáu, 07/06/2013 10:27

2,373 xem

0 Bình luận

(0)

2701

Mỗi cốc trà sữa chỉ từ 10.000- 15.000 đồng, sữa chua mít từ 12.000- 20.000/cốc , không quá đắt nên trở thành món quà vặt phổ biến được nhiều người ưa chuộng trong những ngày hè. Bởi vậy, trên các con phố, đặc biệt là gần các cổng trường học, khu vui chơi, các hàng bán chè, sữa chua mít, trà sữa mọc lên san sát lúc nào cũng đông nghịt người.

Nguyên liệu cái gì cũng độc
 
Nguyên liệu để làm những món quà vặt này đều khá đơn giản và được bán phổ biến ở các khu chợ như bột thạch, trân châu, bột nấu chè và các hương liệu đều có giá khá rẻ. Hút khách nhất hiện giờ có lẽ sữa chua mít, món ăn đang thịnh hành trong giới trẻ. Mỗi bát sữa chua sẽ gồm có sữa chua, mít xé sợi, thạch các loại, siro,hạt é và trân châu.  Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Sống Mới thì hầu hết các cửa hàng đều mua mít loại phế phẩm nghĩa là nhặt những phần còn lành lặn từ những miếng mít dập nát rồi xé nhỏ. Những viên thạch nhiều màu nhìn qua cũng đủ biết được làm từ phẩm màu và những phụ gia khác. Những hộp thạch này đều không có xuất xứ, trên bao bì chỉ toàn chữ Trung Quốc, thậm chí còn không có hạn sử dụng. Tại chợ Đồng Xuân, những hộp thạch trong nước có giá 90.000-120.000/hộp loại 2kg, hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn chỉ khoảng 50.000-60.000/hộp cùng khối lượng. Người bán cũng khuyên khách nếu mua để bán thì mua đồ Trung Quốc cho rẻ dễ có lãi.
 
Bên cạnh đó, các cửa hàng còn bày bán nhiều loại bột thạch, hương liệu để nấu chè. Những loại hàng hóa này thường được buộc trong các bao tải, không hề ghi nhãn mác hay nơi sản xuất. Người bán chỉ cho biết chung chung rằng hàng nhập từ Trung Quốc, song khó có thể biết được mức độ an toàn của những loại hàng hóa này, khi thời gian qua chất lượng những thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc luôn trong tình trạng báo động.
 
Để tăng phần hấp dẫn cho món ăn, các cửa hàng đều pha thêm chút ít siro hoa quả. Mỗi cốc trà sữa hay sữa chua mít chỉ cần cho một chút siro loại này là cốc đổi màu, mùi vị khá rõ. Trên  những cửa hàng bán hương liệu tại phố hàng Buồm, hay trong nhiều gian hàng bán đồ bánh kẹo, đồ nấu chè tại chợ Đồng Xuân những loại siro dùng để pha chế bày la liệt, chủ yếu là hàng Trung Quốc hoặc của một số cơ sở sản xuất gia công của Việt Nam. Theo một chủ cửa hàng tại chợ Đồng Xuân giới thiệu, những loại siro này giá rẻ, thơm và dùng ít hao. Giá của những can siro này cũng “rẻ bất ngờ” chỉ từ 40.000-50.000/can 2 lít đủ vị như dâu, chanh, đào, khoai môn, cam, bạc hà… màu sắc vô cùng bắt mắt.



Trân châu dùng trong trà sữa, sữa chua mít có giá khá mềm: 25.000- 30.000 đồng/kg, có loại trân châu đen, trắng và trân châu nhiều màu. Muốn sử dụng người bán chỉ cần luộc trong nước sôi khoảng 10- 15 phút. Những loại trân châu khô dùng cho nấu chè cũng vô cùng đa dạng về chủng loại, màu sắc. Điểm chung của những hàng hóa này là được đóng trong những bao tải, túi nilon không có nguồn gốc xuất xứ cũng chẳng có thời hạn sử dụng.
 
Người tiêu dùng thờ ơ với sức khỏe
 
Bất chấp những cảnh báo về mức độ độc hại của trà sữa đối với sức khỏe người dùng thì loại đồ uống này vẫn có chỗ đứng tại rất nhiều cổng trường học. Tan trường, cảnh học sinh chen lấn mua những cốc trà sữa vẫn không phải là hiếm. Tại vực khu cổng trường tiểu học và THCS Kim Giang, giờ tan trường vẫn có khá nhiều học sinh ra mua trà sữa tại các quán gần trường.
 
Hà Linh, học sinh lớp 12 cho biết: “Em cũng nghe một số thông tin về trà sữa có độc nhưng thấy quán cũng sạch sẽ, đồ uống cũng ngon nên vẫn cùng bạn bè vào uống”.
 
Tại một quán cạnh trường đại học Công nghiệp Hà Nội buổi tối khách hàng đông nghìn nghịt vào ăn chè, sữa chua mít, trà sữa. Cả quán cũng có trên dưới 30 bàn mà vẫn kín khách, chủ yếu là các bạn trẻ học sinh, sinh viên. Tuấn, sinh viên năm 3 đại học Công nghiệp cho biết: “Quán này khá nổi ở đây, vị cũng ngon lại nhiều hơn hẳn những nơi khác. Khách lúc nào cũng đông như này, có ngày còn không có bàn để ngồi” Khi hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm Tuấn hồn nhiên: “Em và các bạn vẫn đến đây ăn mà không thấy làm sao”.
 
Chỉ cần quan sát và tìm hiểu kỹ một chút là có thể thấy thực phẩm bẩn có ở khắp nơi, và những mặt hàng không rõ xuất xứ, thiếu an toàn được bán công khai. Vậy nhưng mỗi khi đi kiểm tra, các lực lượng chức năng đều rất “khó khăn” tìm ra hàng bẩn hoặc số vụ vi phạm được phát hiện là rất ít. Hơn mữa mức xử phạt quá thấp chẳng đủ răn đe so với lợi nhuận đem lại cùng với việc kiểm tra theo “phong trào” theo chiến dịch khiến cho những món ăn mang nhiều nguy cơ vẫn có thể tung tác trên thị trường.

Theo Sống mới

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading