Tìm hiểu cơn sốt chè khúc bạch

Thứ Sáu, 14/06/2013 08:20

2,835 xem

0 Bình luận

(0)

2364

Dạo quanh một vòng các cửa hàng giải khát tại Hà Nội, hầu như quán nào cũng bán chè khúc bạch với mức giá tương đối cao, từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/bát. Theo đó, chè khúc bạch không chỉ có một loại mà có vô vàn các hương vị khác nhau như khúc lục (khúc bạch vị matcha), khúc bạch vị dừa, vị trà xanh…

Muôn hình vạn trạng khúc bạch

Tuy nhiên, mỗi nơi mỗi khác bởi thực tế, chè khúc bạch chỉ có món "đinh" là những miếng khúc bạch, còn các gia vị, hương liệu, màu sắc... lại tùy thuộc vào người bán.

Về màu sắc, có người dùng gelatin để làm đông sữa, tạo viên trắng, viên xanh hoặc dùng tào phớ. Có người lại dùng bột rau câu để làm thạch trong hoặc thêm các loại màu thực phẩm để tạo màu cho đẹp mắt ...



Hoa quả cho vào món chè "đình đám" này cũng muôn hình vạn trạng, có người cho long nhãn, vải nhưng cũng có quán dùng cả chôm chôm ,bòng bong, hạt é, thậm chí cả… mít để “lai tạo” giữ khúc bạch và sữa chua mít

Tùy theo cách chế biến và sở thích của khách hàng mà chủ quán sẽ dùng thêm dầu chuối, chè nhài, chè hoa bưởi... để tạo mùi.



Dù có nhiều “phiên bản” khác nhau nhưng về cơ bản, khúc bạch thường làm từ gelatin. Nước chè nấu từ đường để tạo vị ngọt. Nhưng nhìn chung, độ ngọt sắc trong nước chè tại một số quán khi ăn xong thấy lờ lợ, chan chát nơi đầu lưỡi khiến nhiều khách nghi ngờ

“Sốt xình xịch” vì hiệu ứng tin đồn

Khởi nguồn từ TP.HCM, chè khúc bạch nhanh chóng lan ra Hà Nội và tạo nên cơn sốt ẩm thực lớn nhất trong mùa hè này.

Các trang điện tử dành cho tuổi teen, trang cá nhân facebook, diễn đàn bàn tán xôn xao, đồn đại về chè khúc bạch, đánh trúng vào thị hiếu tò mò của người dân. Tất cả tạo thành hiệu ứng tin đồn, đẩy chè khúc bạch lên thành “cơn sốt” khiến mọi người ríu rít rủ nhau đi “ăn thử cho biết”.



Tuy nhiên, khi đã ăn rồi, nhiều người thất vọng và câu cửa miệng được nhắc đến khi có người hỏi về món chè “sốt" này là "không có lần sau".

Bạn Tống Hà - sinh viên năm 3 trường đại học Hà Nội cho biết, nghe bạn bè nói nhiều về chè khúc bạch nên rủ bạn cùng phòng đi ăn. Tuy nhiên, Hà thấy không ngon lắm, lõng bõng cái, nước đường là nhiều.

Bạn Hồng Phượng cùng lớp với Hà cho biết thêm: "Em cũng không thích ăn chè khúc bạch lắm vì nó có vị ngọt khó ăn, với giá tiền thế, thà ăn tào phớ, sữa chua còn ngon hơn, nhưng cũng phải ăn thử một lần cho biết".

Nhóm học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông – Hà Nội) chọn tổ chức sinh nhật tại một quán giải khát trên đường Quang Trung – Hà Đông. Cả nhóm hào hứng gọi chè khúc bạch để ăn vì đây là món mới của quán, cái tên chè lại nghe lạ tai. Tuy nhiên, sau khi gọi ra ăn các bạn đều bỏ dở quá nửa.

Em Ngọc Hà, chủ nhân buổi sinh nhật ỉu xìu: “Sẽ chẳng bao giờ tụi em ăn lại món chè này nữa, vừa đắt vừa không ngon. Suýt nữa hỏng cả buổi sinh nhật của em ngày hôm nay”.



"Chè khúc bạch nhìn hình và tên, ai cũng thèm. Mọi người đi ăn, nhà nhà đi ăn. Sau khi ăn xong, người người kêu kinh, nhà nhà kêu ghê. Đã thế lại còn thêm cái vụ làm từ da lợn thối tẩy rửa nữa, chuẩn bị cho 'out' khỏi thực đơn thôi", nick Ông Trùm nhận xét.

Nick Nguyen Ngoc Huong Lan chia sẻ: "Chè khúc bạch chả có gì... thế mà có nơi 'quất' lên vài chục nghìn một chén, thế mà mọi người cũng ầm ầm vào ăn. Mình thì chỉ 'ăn một lần rồi thôi' với cái 'em' chè khúc bạch này"

“Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông đăng tải những hình ảnh kinh hoàng về công nghệ sản xuất gelatin độc hại xuất xứ Trung Quốc, không ai dám khẳng định khúc bạch ở Việt Nam không phải là thứ gelatin độc hại đó khi vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam đang ở mức báo động cao. Trước đây, hết trà sữa chân trâu, đến trà chanh 'chém gió' đều cũng bị đẩy lùi bởi sự độc hại của chính nó, thì nay, chắc chắn ‘hiệu ứng tin đồn’ về khúc bạc sẽ nhanh chóng hạ nhiệt và sớm bị tẩy chay thôi”, chị Mai Hồng Thuận – biên tập viên kênh truyền hình nhận xét.

Theo Xzone

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading