Khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai nội

Thứ Tư, 19/06/2013 08:19

1,353 xem

0 Bình luận

(0)

2930

Cũng giống như các mặt hàng củ quả khác như gừng, củ cải,… khoai tây Trung Quốc bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn loại trong nước bởi mẫu mã đẹp, củ to.

Hiện nay, khoai tây Đà Lạt đang tăng giá, loại ngon nhất là 40.000 đồng/kg, trong khi đó khoai tây TQ loại lớn nhất bán ra chỉ khoảng 30.000 đồng/kg.
 
Thông thường, các thương lái đưa hàng Trung Quốc về Đà Lạt “phù phép”, sau đó mới chuyển xuống TP.HCM đánh lừa người tiêu dùng đó là khoai Đà Lạt. Thực tế, khoai tây Trung Quốc sau khi được “phù phép” rất khó phân biệt với hàng nội địa. Và sau khi đội lốt mới khoai Tàu có giá tăng gấp đôi, gấp ba.
 
Không bày bán tràn lan, phổ biến như thị trường TP.HCM song tại Hà Nội, người tiêu dùng cũng không dễ gì tránh khỏi khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt.


 
Dạo quanh một số chợ bán lẻ tại khu dân cư đông đúc như chợ đầu mối Phùng Khoang, Triều Khúc, chợ Ngã Tư Sở, chợ Quang,… sau khi có thông tin khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc độc hại cho phép, thấy các tiểu thương có vẻ thận trọng hơn. Vì là tỉnh phía Bắc, xa vựa khoai tây Đà Lạt, hơn nữa đây là thời điểm không phải mùa của khoai tây miền Bắc nên việc bán khoai không tràn lan và rẻ như chính vụ. Giá khoai dao động từ 15-20 nghìn đồng/kg.
 
Đon đả mời chào, vừa nhanh tay lựa giùm khách, chị bạn hàng tại chợ Phùng Khoang khẳng định rổ khoai óng vàng này không phải khoai tây Trung Quốc mà là “khoai tây nhà”. Để thêm phần chắc, chị còn chỉ cách phân biệt: “khoai tây Trung Quốc to hơn nhiều, vỏ không xước như thế này đâu, em yên tâm đi”.
 
Tại các sạp bán hàng, tiểu thương thường khá dè dặt, chỉ bày bán một ít khoai. “Hai hôm nay, nhiều người hỏi, thắc mắc giữa khoai Trung Quốc với khoai Đà Lạt lắm. Hình như có thông tin khoai nhiễm độc gì đó, nên để cho chắc, cô không dám lấy hàng nhiều”, cô Liên, một người chuyên bán rau củ tại chợ Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì) cho biết.
 
Còn tại chợ Phùng Khoang, khi phóng viên hỏi nguồn gốc về số khoai tây theo quan sát thấy khá to, vỏ sậm màu, da mịn, tròn, không xước tại một sạp hàng, chủ sạp này tỏ ra rất khó chịu. “Muốn mua khoai không phải của Trung Quốc thì đi tìm mà mua”. Theo đó, giá một kg khoai  loại này có giá 20 nghìn đồng.


 
Theo kinh nghiệm của một số tiểu thương và người nội trợ lâu năm, khoai tây Trung Quốc thường to củ, mịn, tròn, vỏ không xước, trong khi khoai tây Đà Lạt vỏ rất dễ xước. Khoai tây Đà Lạt rửa sẽ bị thối, khoai tây Trung Quốc rửa sẽ không sao. Đó là những bí quyết giúp người đi chợ chọn hàng. Tuy nhiên với những kỹ xảo của thương lái, những kinh nghiệm đó dường như vô tác dụng. Khoai Trung Quốc chỉ cần được rửa, nhuộm màu, cố tình va quệt để bị xước hoàn toàn giống như giống khoai Đà Lạt. Giá một chiếc máy có tác dụng “phù phép” như thế giá chỉ 60-70 triệu đồng. Mỗi một mẻ, máy có thể rửa được 150 đến 200 kg khoai. Thậm chí tại các siêu thị cũng có vài ba loại khoai tây, gồm cả khoai hồng, khoai vàng và khoai tím. Củ nào cũng mịn màng, tỷ lệ vỏ xước không nhiều. Song trên bảng giới thiệu thì không bao giờ xuất hiện khoai xuất xứ Trung Quốc mà toàn là khoai Đà Lạt, khoai Hà Tây, khoai nhập Mỹ…
 
Chính sự nhập nhèm này đang khiến khoai tây Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần trên kệ rau, củ của các tiểu thương. Bất chấp hàng Trung Quốc có độc hại hay không vẫn mang về cho thương lái nguồn lợi nhuận đáng kể, hơn hẳn hàng nội địa. Vì vậy, nếu người bán không nói thì người dân khó có thể phân biệt và tránh được hàng Trung Quốc. Thậm chí theo một cán bộ quản lý thị trường, việc tránh khoai tây Trung Quốc gần như là một điều bất lực bởi “lời nói gió bay” của thương nhân không thể làm bằng chứng. Theo vị này, chỉ khi nào khoai tây xuất xứ Trung Quốc nhưng đưa vào siêu thị, ghi trên nhãn mác là hàng Đà Lạt, hàng Hà Nội, nếu phát hiện thì mới xử lý được.
 
Mỗi khi gặp khó các cơ quan chức năng chẳng mấy khi thừa nhận sự “bất lực” của mình mà chỉ ra rả khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông minh. Nhưng thông minh sao được khi thị trường chỉ toàn hàng độc, mà chính cơ quan chuyên môn, có đầy đủ kiến thức, máy móc, thiết bị và tài lực còn chẳng phân biệt nổi hoặc chưa muốn làm “tới bến”. Một thị trường thực phẩm sạch và văn minh chắc còn xa mới có, khi mà hàng lậu, hàng bẩn vẫn vươn vòi bạch tuộc tới khắp thành thị, vùng quê bất chấp cả chục cơ quan quản lý, giám sát chồng lấn, và hàng mớ văn bản, quy định, chế tài, luật định.

Theo Sống mới

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading