Nhớ một thời cơm sạn

Thứ Sáu, 19/07/2013 05:28

1,876 xem

0 Bình luận

(0)

4855

Ba mất khi tôi chỉ mới 10 tháng tuổi. Ở tuổi 28, mẹ phải cưu mang, gồng gánh cả đại gia đình gồm mẹ già và sáu đứa con nheo nhóc, trong đó có người con thứ hai bị bệnh tật luôn phải chạy chữa. Còn trẻ đẹp, nấu ăn rất ngon, được nhiều người đàn ông thương quý, mẹ vẫn không chọn cho mình một bờ vai. Ước mong duy nhất của mẹ là lo cho cả nhà ăn no, mặc ấm, các con được đi học.

Món ruột của cả nhà thường xuyên là cháo với củ cải mặn. Không phải vì mọi người cùng thích ăn cháo mà vì thiếu gạo. Tôi nhớ như in lần qua chúc tết bà cố, tôi đã ăn rất “tích cực” khi được mời. Thấy gì, tôi cũng thèm, không từ chối. Bà bảo: “Nhìn con nhỏ ăn thấy mà thương”. Bỗng tôi sụt sùi, méc bà cố: “Ở nhà mẹ cứ cho tụi con ăn cháo hoài, riết ngán chết”. Nghe chuyện, mẹ không quở phạt tôi về tội mách lẻo, lắm điều mà lặng im. Đêm khuya, tưởng tôi đã ngủ, mẹ ôm chặt, xoa xoa cái bụng tóp dạt của con gái út.



Mấy hôm sau, tự nhiên nhà tôi “sang” hơn một bậc, được ăn cơm. Mà là cơm-sạn. Mẹ mua bao gạo loại rẻ tiền, sàng gạo ngon dành nấu cơm, phần còn lại thì để nấu tấm cho heo. Nhớ lại nhiệm vụ lựa gạo ngày ấy mà ngán ngẩm. Gần tới giờ nấu cơm, mẹ giao mỗi đứa một vài bụm gạo để lượm sạn, thóc, gạo bị mốc bỏ ra. Tôi ham chơi mà phải ngồi một chỗ lượm gạo, lượm hoài mỏi tay mà không được bao nhiêu. Nhiều lúc tôi vừa làm vừa khóc, đòi mẹ mua gạo sạch hơn. Gạo lượm xong đem vo qua nhiều lượt để trôi hết trấu, bông cỏ. Vậy mà khi ăn cơm ai cũng nhăn mặt vì cắn phải sạn. Có khi người bên cạnh cũng nghe cái “rạo”.

Anh chị em của tôi giờ đã lớn khôn. Dù cơm áo gạo tiền không còn thắt ngặt, bức bách, nhưng tôi vẫn bắt chước mẹ: tiết kiệm, góp nhặt, không hoang phí. Chén cơm trắng hôm nay là niềm ước ao của bao đời khó nhọc.

Theo phunuonline

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading