Gạo nhiễm độc

Thứ Sáu, 02/08/2013 07:57

1,009 xem

0 Bình luận

(0)

2498

Ngày 17-4-2013, Cơ quan phụ trách Thực phẩm & Thuốc của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông công bố kết quả một cuộc điều tra về ẩm thực. Kết quả khiến nhiều người bàng hoàng vì quá nhiều mẫu gạo chứa hàm lượng chất độc vượt quá mức cho phép.

Ngày 17-4-2013, Cơ quan phụ trách Thực phẩm & Thuốc của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông công bố kết quả một cuộc điều tra về ẩm thực: 44,4% gạo và sản phẩm từ gạo có chứa hàm lượng cadmium (Cd) cao hơn tiêu chuẩn cho phép. 18 mẫu gạo có tám mẫu chứa hàm lượng Cd cao bất thường và sáu trong số đó xuất phát từ tỉnh Hồ Nam. Cd là kim loại nặng đứng đầu danh sách độc chất do Chương trình Môi trường LHQ (PNUE) thiết lập năm 1984. Con số được công nhận là “độc” (VTR) tại TQ hiện nay dành cho Cd là 0,2 miligram/kg. 

Theo số liệu chính thức, Hồ Nam là tỉnh thứ tư sản xuất lúa gạo cho cả nước (năm 2012) cung cấp 11% sản lượng quốc gia khoảng 11 triệu tấn. Ngày 27-2, nhật báo Quảng Đông Nanfang Ribao công bố một cuộc điều tra mang tên: 10 ngàn tấn gạo xuất phát từ Hồ Nam đưa lên bàn ăn ở Quảng Đông. Từ đó, tại nhiều thành phố ở TQ người ta không mua gạo Hồ Nam nữa, khiến cho nông dân và nhà phân phối trong vùng này điêu đứng. Tại thành phố Lanxi của Hồ Nam có ít nhất 70% đại lý ngưng hoạt động hay giảm bớt phân nửa. Nhiều nông dân tuyên bố sẽ giảm hai vụ mùa/năm xuống còn một, thậm chí bỏ luôn nghề làm ruộng nếu khách hàng không còn mua gạo nữa. 

Từ năm 2003, chính quyền Hồ Nam đã cho biết: khoảng 20% gạo nhiễm kim loại nặng như Cd và chì. Có nơi tỉ lệ Cd lên đến 46 lần mức cho phép của tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Năm 2009, một nhóm chuyên gia gồm Trường Đại học Ecosse Aberdeen, Đại học Nông nghiệp Xiamen và Viện Hàn lâm khoa học TQ, công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Mỹ Environmental Science & Technology cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn. 100 mẫu gạo thu được của tỉnh Hồ Nam, chỉ 15% tương đối đạt tiêu chuẩn an toàn đối với Cd, chì và arsenic. 65% còn lại có Cd cao hơn tiêu chuẩn VTR. Nhóm này đi đến quả quyết: 17% gạo ở phía bắc, 45% ở phía nam, 64% ở miền trung và 86% ở phía đông tỉnh Hồ Nam đều không an toàn cho người tiêu thụ. 

Nhưng số gạo bị nhiễm Cd chính xác là bao nhiêu? Theo giáo sư Pan Genxing thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Nankin, tại thị trấn Xinma, quận Zhuzhou của tỉnh Hồ Nam, hai mẫu gạo mà ông phân tích vào năm 2008 có nồng độ Cd là 0,52 và 0,53 gr/kg cao gấp 2,5 tiêu chuẩn VTR. Tháng 1-2006, một tai nạn ở Xinma làm cả nước bàng hoàng xúc động: 2 người chết và 150 người phải đi cấp cứu vì ăn phải gạo nhiễm độc Cd. Mấy tháng sau, cuộc điều tra của chính quyền xác nhận: họ bị ngộ độc không phải do nước uống mà từ gạo. Vì sao trong gạo có Cd?

Theo Yin Lihui thuộc đài truyền hình trung ương TQ: Hồ Nam là một tỉnh lớn, rất giàu kim loại không thuộc nhóm sắt. Khai thác các kim loại này đã gây ra ô nhiễm cho toàn vùng, nhất là đồng bằng sông Xiang. Từ đó, mặt đất đã bị nhiễm độc do nước tưới tiêu cho các vùng nông nghiệp trong tỉnh. Vào cuối những năm 1980, hai bên bờ sông Xiang có hơn 1.600 xí nghiệp lớn và trung bình khai thác hầm mỏ. Vùng đồng bằng này lại quy tụ 60% dân số của tỉnh Hồ Nam và đóng góp 70% GDP cho cả nước, đồng thời cũng tập trung đến 60% độc chất. 

Theo nhà nghiên cứu Tong Qianming, sử dụng phân bón phosphate trong nông nghiệp cũng là nguyên nhân gây nhiễm độc Cd. Ông quả quyết: “Sử dụng phân phosphate trong nông nghiệp làm cho đất bị nhiễm Cd. Đất bề mặt cũng bị nhiễm độc cao gấp 2,57 lần ở độ sâu. Tại các vùng không bị ô nhiễm vì khai thác hầm mỏ, tỉ lệ đất nhiễm Cd ở bề mặt vẫn cao hơn ở độ sâu”

Theo CA TP Hồ Chí Minh

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading