Về Thủy Dương ăn bánh canh cá rô

Thứ Ba, 18/02/2014 10:30

2,315 xem

0 Bình luận

(0)

3645

Từ lâu, mảnh đất cố đô nổi tiếng với rất nhiều món bánh canh ngon như bánh canh Nam Phổ, bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh canh cua, bánh canh chả quết… Nhưng thời gian gần đây, một món ăn được nhiều người dân địa phương lẫn khách du lịch ưa chuộng, đó là bánh canh cá rô.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan, một người chuyên bán bánh canh (128 đường Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Bánh canh cá rô mới nở rộ khoảng 2 – 3 tháng nay thôi. Mình bán bánh canh cá lóc, nhiều lúc khách vào ăn họ hỏi “Có cá lóc, sao không có cá rô?”, cũng không biết là đùa hay thiệt nhưng mình cũng thử làm, rứa rồi nhận được nhiều lời khen mà mình làm bán đến chừ luôn”.

Về Thủy Dương ăn bánh canh cá rô

 

Trên con đường Nguyễn Tất Thành xuôi về Thủy Dương, la liệt các quán hàng chào mời món bánh canh cá lóc đặc sản xưa nay, và có kèm thêm bánh canh cá rô như một sự biến tấu để khách hàng có thêm sự lựa chọn.

Cũng giống như cách chế biến món bánh canh cá lóc, nguyên liệu chính là cá và bột. Gạo sau khi ngâm đủ độ thì được đem đi xay, sau đó sú bột và cho vào cối giã nhuyễn. Người ta giã bột tới hai, ba giờ sáng, cho tới lúc bột “chín”. Lúc đó bột chặt, dai mà không dính tay. Giờ đây cũng có người xay bột máy nhưng theo kinh nghiệm của các bà, các mẹ thì nhồi bằng tay bánh canh sẽ ngon hơn. Khi bột đạt yêu cầu, lăn mỏng cắt rời từng “con”, nấu chín bột vẫn không bị nhão. ở Thủy Dương, các quán hàng vẫn nhồi bột bằng tay ngay tại quán, khi khách gọi mới bắt đầu lăn bột và cắt bỏ vào nồi nước sôi sùng sục, vì vậy vị ngọt của gạo vẫn còn mới nguyên và có vị thơm dìu dịu. Bàn tay thoăn thoắt cắt bột vào nồi, nêm gia vị để làm nên tô bánh canh hoàn thiện nhanh và đơn giản đến nỗi ta có cảm giác nhìn qua một lượt là làm được ngay nhưng thực tế để đạt đến trình độ “vừa làm, vừa tiếp chuyện khách” thì cũng lắm gian nan.

Về Thủy Dương ăn bánh canh cá rô-1

Vừa thưởng thức bánh canh cá rô, vừa nhìn bàn tay thăm thoắt của các chị chủ quán cắt bánh khiến bao du khách quên thời gian.

Cá sau khi hấp chín thì lọc thịt ra khỏi xương, làm thật nhẹ tay để thịt cá không bị nát. Xương và đầu cá được giữ lại, cho vào bọc vải, giã nát (hoặc không) rồi hầm với một lượng nước lớn để tạo nên vị ngọt cho nước dùng. Nước dùng được chuyển tiếp qua một nồi mới để được trong hơn và không bị cặn, sau đó nêm gia vị vừa ăn. Thịt cá thì ướp tiêu, hành, nước mắm, để có được màu đỏ bắt mắt thì thêm ớt bột và hạt điều (giã nhỏ) rồi trộn lên để gia vị thấm đều. Khi khách gọi, chỉ cần cho cá và bột vào tô, thêm nước dùng nóng hổi và rắc chút hành lá là hoàn tất.

Chỉ so riêng việc làm cá thì cá rô khó chế biến hơn cá lóc bởi cá rô rất nhỏ, lại nhiều vây cứng nên nếu làm không cẩn thận người làm dễ bị trầy xước tay. Thêm vào đó cá rô ít thịt hơn cá lóc nên người ta cũng ngại làm. Ấy thế mà những chị chủ quán bánh canh ở Thủy Dương vẫn tỉ mẩn làm để chiều lòng khách. Nhiều người cho biết thêm: “Từ khi có bánh canh cá rô, quán của họ lúc nào cũng đông khách hơn thường lệ vì cá rô vị ngọt hơn, lại sạch sẽ vì được bắt từ ngoài đồng nên ai nấy ăn đều rất yên tâm”. Nhưng cũng vì nguồn cung cấp cá rô chưa nhiều nên khách hàng nào muốn ăn món ăn đặc biệt này phải đi ăn tầm 14h – 19h mới có, bởi trước giờ này thì thịt cá chưa thấm, còn sau thì đã hết nhẵn.

Công phu là thế nhưng giá cả ở đây rất phải chăng. Mỗi tô bánh canh cá lóc/cá rô đều đồng giá 10 ngàn đồng, hợp với việc chi tiêu của tất cả mọi người nên càng đắt khách hơn nữa. Vào mùa nước lũ, cá rô nhiều và bắt đầu sinh sôi mạnh nên món bánh canh trứng cá rô cũng từ đó ra đời.

Một tô bánh canh cá rô ngon đúng điệu xứ Huế là thêm một chút ớt tương, ăn kèm với trứng cút và nem chua/chả Huế. Vị cay của ớt hòa trong vị ngọt dịu của từng muỗng bánh canh như tan dần trong miệng, vừa đủ để ta cảm giác ấm nóng để xua đi chút lạnh lúc đêm về.

Theo Kênh du lịch Huế

Danh mục bài viết Món ngon Huế

Đang tải dữ liệu loading