Ăn bánh canh cá lóc Huế ở Sài Gòn

Thứ Bảy, 12/07/2014 09:48

5,273 xem

0 Bình luận

(0)

4904

Thời tiết Sài Gòn đỏng đảnh, thất thường như cô gái 16 tuổi. Vừa nắng chang chang rồi bất ngờ mưa trút nước, khiến người ta bối rối... Tấp vào lề trú mưa, nhìn bâng quơ sang đường tôi thấy một bảng hiệu to đùng có ghi dòng chữ 'Bánh canh cá lóc Huế 15.000 đồng/tô' đầy 'mời gọi'.

Giữa thời đại bão giá và lạm phát thế này mà bán 15.000 đồng/tô ư? Thấy quán cũng đông đúc, hối hả người ra kẻ vào chợt làm tôi cảm thấy tò mò. Thôi thì cũng đang đói, tôi đánh xe chạy qua rồi đi thẳng vào quán.

Bánh canh cá lóc

Vừa đi ngang qua nồi nước lèo đã có thể ngửi thấy mùi hương thanh nhẹ dậy lên theo gió. Cái mùi đặc trưng xứ Huế đúng là không lẫn vào đâu được. Hương thơm béo ngậy của cá cũng thay nhau bay thẳng vào mũi.

Bánh canh cá lóc 1

"Lấy cho con một tô!". Tôi ngồi ngay ngắn vào bàn cầm khăn lau đũa, muỗng. 5 phút sau, tô bánh canh nghi ngút khói được bưng ra đặt ngay trước mặt. Ngoài trời thì mưa như trút nước, lạnh không thể tả. Tôi đưa tay áp vào tô bánh canh trước mặt mà cảm thấy lòng ấm ấp lạ thường. 

Cho một chút ớt, thêm một miếng chanh, tô bánh canh giờ đây nhìn càng hấp dẫn hơn với nhiều màu sắc xanh, trắng, vàng. Miếng cá được phi lê từ trước, bạn sẽ không thể nào thấy được một miếng xương dù là nhỏ cỡ nào. Vị của cá thơm nức mũi khi được ướp với mắm, tiêu, hành và ớt. Gắp cá với bánh canh cho vào miệng sau đó húp một miếng nước lèo ngọt lừ. Bỗng dưng cái lạnh lẽo, mệt nhọc dường như tan biến mất.

Bánh canh cá lóc 2

Thường thì những quán thế này còn bán thêm đầu cá nếu bạn có yêu cầu. Đừng tưởng đầu cá thì không có cái gì để ăn nhé. Nó vẫn có thịt, còn xương thì được hầm nhừ cả rồi. Ăn vào chỉ có ngây ngất. Chưa kể, cô chủ quán còn rắc thêm hành phi, mỡ hành, rau răm và một ít đậu phộng. Đến khi ăn vào mùi vị đậm đà vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi.

Về nhà tìm hiểu mới biết đây là đặc sản của xứ Huế. Có rất nhiều làng nổi tiếng như Nam Phổ, Thủy Dương, An Cựu... chế biến món này. Bánh canh phải được làm từ bột gạo chứ không phải bột mì. Người dân thức đến 2-3 giờ sáng để giã cho đến lúc "bột chín" thì khi nấu, bánh canh vẫn có độ trong mà không bị nhão.

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading