"Tưng bừng" cá gáy trong lu

Thứ Ba, 21/04/2015 09:51

3,598 xem

0 Bình luận

(0)

4319

Một số thầy thuốc đông y giỏi sáng ngời ánh mắt khi nhắc về cá gáy, một món ngon khiến các cao thủ trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung vừa thèm vừa sợ.

Cá gáy nửa giống con hanh nửa hao hao bọn chép, xưa nay ông bà ta vẫn quen gọi ngư gáy. “Ăn mấy con mới hót hỡi em?- Ăn tới đâu, gáy tới đó mấy anh ơi!”, em phục vụ chúm chím môi hồng, nhấp nháy cặp mắt lá dong đáp ngọt xớt.

Tưng bừng cá gáy trong lu

Tươi rói cá gáy câu Phú Quốc

Thôi rồi! Khôn ba năm dại 30 giây!

Thuộc họ cá chép, một số loại cá gáy có thể sống ở nước ngọt, lợ và đôi khi nước mặn. “Quý hiếm nhất là con gáy đuôi óng ánh chỉ vàng, thường sống ở nước lợ. Cắn phần đuôi nghe sần sật, gần như toàn là sụn, hân khoái lạ thường! Phần này, cực kỳ nên thuốc, rất tốt cho mắt - thận và gan”, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM phấn khích hẳn khi nói về nó.

Vậy món cháo Lạp Bát có dây mơ rễ má gì với giống cá này không?- “Sao không! Không có con gáy đuôi vàng và mớ rễ non tre gai thì không cách nào nấu được món cháo thần diệu ấy”, mạch ngầm y mỹ thực nơi ông Ưng Viên được dịp tuôn trào. Theo đó, món cháo kỳ diệu kia có thể giúp cơ thể giải độc, bồi bổ tuyệt vời. 

Tưng bừng cá gáy trong lu

Ngon quên mời!

Vậy, còn những loại "gáy thường" có bổ béo chút nào không? - “Không hề kém cạnh cá chép”, ông Ưng Viên quả quyết. Thêm một thắc mắc khó kiềm nén nữa: Nó kêu kiểu gì? - Có thể, khi tỏ tình, con trống phát ra những sóng siêu âm du dương tựa tiếng dế gáy. Đám cá heo, bò biển cũng có khả năng tương tự. Theo đó, người đầu tiên nghe được cá hát chắc phải là những thợ lặn rất giỏi, nhưng khuyết danh!

Bỏ qua những gia vị giai thoại, chúng ta cùng mắt thấy, tay sờ, miệng nếm... một loại cá gáy Phú Quốc theo kiểu nướng cách tân. Con cá đã chết ngắt mà vẫn còn rộn rã gáy mới lạ chứ! Nó "núp" kín trong lu, sau 15 phút xông khô, đã mượn làn hương ngất ngát, tinh nguyên nơi da thịt - dường như để thay lời muốn nói: Đừng xem thường tôi! Có nghe ngọt thơm không kém mùi gà đèo nướng chưa?

Cái hay của cách nướng này là làm sớ thịt cá không bị mất nước và toàn thân cá chín đều, lại nhanh hơn nướng hở. Anh Tăng Dục Tiến, đầu bếp một quán ăn trên đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM, đã nghĩ ra cách ấy. Thêm một tiện lợi nữa: tốn than chỉ bằng phân nửa so với bếp lộ thiên, anh Tiến hài lòng cho biết.

Quả thật, biển ăn quá mênh mông. Cho nên, người viết học hoài mà đôi khi vẫn còn bị chết hụt bao phen. Với con cá kia cũng vậy, phải gỡ vảy ngược từ đằng đuôi lên đầu mới nhanh gọn và trông bắt mắt. Tức thì, màu trắng tươi của thịt gà mái tơ xen lẫn làn da nâu của ngư dân đảo ngọc hiện ra. Dẻ mạnh từng đũa một, chấm chút muối ớt hoặc nước mắm nhỉ Hòn Thơm, kèm thêm vài đọt húng lủi, đón lấy ly rượu sim ửng hồng, thêm vấn vương tình người tình biển!

Tưng bừng cá gáy trong lu

Nướng kín, giúp thịt cá ngọt thơm hơn nhờ không bị mất nước

Được biết, hàng về TP.HCM hàng ngày bằng máy bay. Chỉ mất 45 phút, cá đã "đáp" xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Gặp dân biển xếp cá thì khỏi chê: bỏ sạch nội tạng, cho vào bao ni lông ướp lắc-xê rất bài bản.

Nhờ tươi mới, thế nên lúc nướng đầu bếp chẳng cần tẩm ướp bất kỳ loại gia vị nào. “Có bữa khách ngồi kín bàn; hối tụi này nướng, hấp... tối mặt tối mũi.

Tưng bừng cá gáy trong lu 3

Trên cao - gần cái loa, giọng ca sĩ Hương Lan như rót mật vào lòng: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang... Ngậm ngùi chim nhớ lá rừng...”. Còn Tiến bồi hồi góp chuyện: “Mùa khô, dân câu quê tui khoái hơn mùa mưa. Vì biển ít động, họ câu được nhiều cá gáy, mú... Đã nhất là mùa này nè! Tụi nó ưa sống trong rạn. Thường ngày, họ phải chạy ghe xa hòn khoảng 10 - 12km, giáp giới Campuchia, thả mồi bằng mực cơm hoặc tôm nhỏ dụ chúng...”

Và từng bầy cá gáy, vẫn đang nghiêng đầu ca hát trong lu.

Theo Ihay

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading