Thưởng thức hương vị mới "chè mặn"

Thứ Năm, 21/05/2015 08:41

2,698 xem

0 Bình luận

(0)

4962

Chè là một trong những món đặc trưng của ẩm thực Việt. Mỗi vùng miền có những loại chè khác nhau từ những sản vật hoa trái, hạt củ của địa phương, nhưng độc đáo nhất là “chè mặn”, món ăn sử dụng nguyên liệu “mặn” như thịt, tôm, tưởng khó ăn, nhưng nếm qua rồi, nhiều người lại mê mẩn.

1. Chè bột lọc bọc heo quay Huế

Chè bột lọc bọc heo quay Huế

Ở Huế có đến mấy chục loại chè, từ bình dân đến cao cấp, nhiều màu sắc và hương vị khác nhau, đặc sắc nhất phải kể đến món chè bột lọc thịt quay. Chỉ thoáng nghe tên đã thấy thích thú lẫn e dè, vừa muốn thưởng thức lại hơi ngài ngại. Để nấu được nồi chè thịt quay đúng điệu, đòi hỏi sự cầu kỳ tỉ mỉ không mấy ai làm được.

Thịt quay làm nhân phải lựa đúng phần thịt cổ, vừa có nạc, vừa mỡ lại lẫn lớp da mỏng giòn. Cắt thịt thành từng miếng nhỏ cỡ lóng tay, đem rim với đường và nước mắm nêm nhạt, cho đến khi miếng thịt teo nhỏ lại và trong vắt mới nhấc nồi khỏi bếp, để nguội. Bí quyết để viên chè được ngon chính là khâu rim thịt sao cho thật thấm đường, thịt không còn mùi tanh, vì vậy phải chịu khó rim trên bếp than mới đạt.

Bột lọc nhồi thật nhuyễn mịn, bắt thành từng miếng nhỏ để miếng thịt quay vào, khó nhất là để sao cho nước thịt không vương ra ngoài và bột phải bao kín thịt. Bột rách nước chè sẽ bị đục. Nấu nước đường phèn cho tan, lần lượt thả từng viên bột vào, khi bột chuyển từ màu đục sang trong vắt và nổi lên mặt là đã chín, cho thêm gừng non cắt sợi vào. Người kỹ tính hơn thì luộc bột riêng rồi mới thả vào nước đường.

Ăn chè bột lọc thịt quay, chỉ chừng dăm bảy viên là vừa, đủ để chiêm nghiệm hết vị ngon đặc sắc của chè, mặn ngọt, dai béo, thơm cay… đều có. Chè ăn nóng hoặc ăn nguội với đá lạnh. Điều lạ kỳ hơn là người sành ăn lại thích ăn chè thịt quay với đá vì “ngon hơn”. Đến Huế, đừng quên thưởng thức món chè “độc nhất vô nhị” này ở gần khu vực Thượng Tứ hay công viên Thương Bạc.

2. Chè trôi nước nhân tôm thịt

Chè trôi nước nhân tôm thịt

Chè trôi nước hay bánh trôi theo cách gọi ở miền Bắc là món khoái khẩu của nhiều người nhờ vị dẻo mềm và béo ngọt. Ngoài nhân đậu xanh quen thuộc, chè trôi nước còn được biến tấu với nhiều loại nhân như mè đen, trà xanh mè đen. Phần vỏ chè ngoài màu trắng đục từ bột nếp, còn được biến tấu thành màu xanh từ lá dứa, màu đỏ cam từ gấc, màu vàng từ bí đỏ, màu tím từ khoai lang tím… nhưng lạ nhất có lẽ là món chè trôi nước nhân tôm thịt.

Món chè này đến nay vẫn chưa được bày bán phổ biến, chỉ xuất hiện vào các ngày giỗ lớn ở gia đình vùng quê. Từ việc tận dụng các nguyên liệu khi chế biến món ăn cho đám giỗ, các bà nội trợ đã khéo léo sáng chế ra món chè có vẻ tương phản về hương vị nhưng lại hài hòa trên tổng thể, thành một món ăn “không đụng hàng” để bày lên mâm cỗ.

Tôm tươi, thịt nạc, lạp xưởng cắt nhuyễn, vừa đủ để người ăn cảm nhận được hương vị beo béo của nguyên liệu mà không bị ngán. Tất cả đều được xào chín sẵn riêng từng loại và nêm gia vị vừa ăn, trộn vào đậu xanh đã hấp chín đánh mịn cùng hành phi thơm. Vo từng viên nhân cho tròn, sau đó mới cho nhân vào bột đã nhồi kỹ, đem luộc chín, cuối cùng thả vào nước đường nấu với gừng. Phần vỏ bột truyền thống từ bột nếp được biến tấu thành bột từ khoai lang tím hoặc khoai cao để tạo vị bùi cho viên chè thêm hấp dẫn.

Tùy khẩu vị và sở thích, chè mặn mang đến những trải nghiệm khác nhau cho người thưởng thức, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa ẩm thực vốn đa dạng và tinh tế.

Theo Dương Thảo (PNO)

Danh mục bài viết Món ngon Huế

Đang tải dữ liệu loading