Những món ăn Việt được công nhận giá trị ẩm thực châu Á (P1)

Thứ Tư, 17/02/2016 10:25

5,833 xem

0 Bình luận

(0)

3904

Phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, bánh đa cua Hải Phòng, bún bò Huế, bánh khọt Vũng Tàu, phở khô Gia Lai... Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á.

Danh sách 12 món được công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á gồm:

1. Phở Hà Nội:

Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị rất ngon và bổ dưỡng, được phối hợp từ nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau, kết hợp với bánh phở vừa mềm vừa dai.

Thành phần chính của phở là bánh phở, nước dùng cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng.

Món phở Hà Nội trước đó cũng được hãng thông tấn CNN xếp thứ 28 trong 50 món ngon thế giới.

Hầu hết những du khách đặt chân đến Hà Nội đều thưởng thức Phở. Phở đã trở thành món ăn đặc trưng của Thủ đô.

2. Bún chả Hà Nội:

Bún chả được mệnh danh như một thứ “quà” đặc sản mà người Hà Nội gửi đến các vùng miền khác của Việt Nam.

Chả được tạo thành từ thịt ba chỉ hoặc nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô đem nướng thành miếng chả viên và chả dẹt cho vào chén nước chấm. Nước chấm được pha chế từ nước mắm, đường, giấm, ớt, cho thêm vào đu đủ và cà rốt ngâm chua ngọt.

Khi ăn sắp bún tươi bên dưới, bên trên là đu đủ, cà rốt, chả miếng, chả băm vào tô, kèm theo các loại rau thơm của miền Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế. Sau đó chan nước chấm lên, có thể thêm ớt, tiêu tùy thích.

Bún chả là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội và mang nhiều nét đặc trưng riêng biệt không nơi đâu có được, cũng không nơi nào ngon được như ăn bún chả ở Hà Nội.

3. Bún thang Hà Nội:

Đây là món ăn được chế biến khá cầu kỳ, công phu. Nước dùng nấu từ nước luộc gà, xương lợn, cùng với tôm khô. Trứng tráng thật mỏng thái nhỏ. Giò lụa thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín xé nhỏ. Bên cạnh còn có ruốc tôm tơi như bông nên còn gọi là ruốc bông, củ cải khô, nấm hương…

Cho bún tươi vào tô, đặt thịt gà, trứng tráng, giò lụa… vào một góc trên mặt tô. Thêm ít rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá, điểm thêm chút hương cà cuống để tăng thêm hương vị cho món bún thang.

Bún thang đã góp mặt trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội từ rất sớm. Sự ra đời của nó bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thủ đô xưa. Bún thang luôn nằm trong cẩm nang du lịch của bất kỳ du khách nào khi đến với Thủ đô.

Thi Trân/ Vnxpress

Danh mục bài viết Ẩm thực ba miền

Đang tải dữ liệu loading