Loạn chất kích thích trong thực phẩm chức năng

Thứ Sáu, 17/06/2016 04:49

6,053 xem

0 Bình luận

(0)

3468

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa tạm dừng lưu thông và thu hồi hàng loạt thực phẩm chức năng có tác dụng tráng dương bổ thận, nhưng thực ra lại hại thận, giảm tráng dương, do chứa hoạt chất của Viagra, loại hoạt chất cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng.

Lạm dụng chất kích thích

Theo thông báo của Cục An toàn thực phẩm, căn cứ biên bản kiểm tra do đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm thực hiện tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam Canoves ở Thanh Xuân, Hà Nội; Cũng căn cứ vào biên bản lấy mẫu và Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 4415/PKN-VKNQG ngày 17-5-2016 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Cục An toàn thực phẩm thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe Avena, số lô 010316 (ngày sản xuất: 2-3-2016; hạn sử dụng: 1-3-2019) do Công ty TNHH Medistar Việt Nam ở Mê Linh, Hà Nội sản xuất chứa chất cấm sildenafil, một hoạt chất của Viagra.

Theo quảng cáo trên mạng, Avena plus có tác dụng như thần dược, đặc biệt đối với những người yếu sinh lý khi bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, giúp tăng cường nội tiết tố nam một cách tự nhiên, cải thiện khả năng sinh lý và làm chậm quá trình mãn dục nam…

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc

Với quảng cáo thái quá và đặc biệt có chất cấm sildenafil như vậy nên Cục An toàn thực phẩm đã quyết định tạm dừng lưu thông sản phẩm thực phẩm Avena plus, đồng thời yêu cầu công ty có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi trong thời hạn 10 ngày tại tất cả những nơi đã phân phối sản phẩm và gửi báo cáo bằng văn bản về Cục. Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu công ty này phải cung cấp thông tin liên quan đối với lô hàng không đạt bao gồm: số lượng hàng hóa cùng lô đã sản xuất, lưu thông, tồn kho và thu hồi tính đến ngày gửi báo cáo. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Medistar Việt Nam còn phải báo cáo việc khắc phục, xử lý đối với lô hàng không đạt và biện pháp khắc phục đối với quá trình sản xuất nhằm bảo đảm sản phẩm được sản xuất, lưu thông trên thị trường đáp ứng tiêu chuẩn đã công bố.

Cùng thời điểm xử lý sản phẩm Avena plus, Cục An toàn thực phẩm cũng ra quyết định tạm dừng lưu thông lô sản phẩm thực phẩm chức năng Uy mãnh nang của Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế Minh Bang Việt Nam, ở Hoàng Mai, Hà Nội do kiểm nghiệm mẫu không đạt chất lượng. Theo Cục An toàn thực phẩm, lô sản phẩm thực phẩm chức năng Uy mãnh nang số lô 0116, ngày sản xuất: 20-1-2016, hạn sử dụng: 19-1-2019 của Công ty Thiết bị y tế Minh Bang nhưng do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định sản xuất sau khi kiểm nghiệm phát hiện dương tính với chất sildenafil. Thực phẩm chức năng này được quảng cáo dùng cho nam giới tuổi trưởng thành suy giảm chức năng sinh lý, bổ thận tráng dương…

Đây không phải là lần đầu tiên Cục An toàn thực phẩm phát hiện sử dụng chất cấm sildenafil trong thực phẩm chức năng mà trước đây cơ quan quản lý này cũng từng phát hiện và xử phạt Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Tinh Tấn ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh do nhập khẩu, bán ra thị trường lô sản phẩm thực phẩm chức năng Happygra dạng viên có chứa chất sildenafil.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phát hiện một số sản phẩm có chứa sildenafil và vừa qua lại phát hiện cả chất vardenafil, một hoạt chất tương tự sildenafil được xếp vào nhóm chất kích dục cũng bị cấm trong sản xuất thực phẩm chức năng. Qua kiểm nghiệm 6 mẫu thực phẩm chức năng thì phát hiện 2 mẫu chứa chất cấm vardenafil.

Tráng dương bổ thận hay hại thận suy dương?

Vậy thực tế hai chất vardenafil và sildenafil cụ thể là những chất như thế nào và có tác hại ra sao?

Theo TS Lê Vương Văn Vệ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chất sildenafil là hoạt chất có trong viagra - thuốc điều trị rối loạn cương dương, dành cho các quý ông lâm vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “chưa đến chợ đã hết tiền”. Tuy nhiên, đây là thuốc có nhiều tác dụng phụ, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ, chỉ dùng “đúng người đúng bệnh, đúng liều lượng” mới có kết quả. Trong y khoa, sildenafil (viagra) chỉ được dùng cho những người bệnh đã được chẩn đoán của bác sĩ là rối loạn cương dương. Tùy từng tình trạng bệnh mà bác sĩ kê liều lượng nhất định có thể từ 1/4 viên đến 1 viên (100g). Tuy nhiên, Viagra là thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như đau đầu, thay đổi thị lực, giảm khả năng nghe và làm tim đập nhanh hơn bình thường. Vì vậy, khi người bệnh sử dụng Viagra nhận thấy có tác dụng phụ thì cần thông báo cho bác sĩ để điều chỉnh, thậm chí phải ngưng sử dụng thuốc.

TS Vệ khuyến cáo: “Với các tác dụng phụ như vậy, nếu cho sildenafil (viagra) vào trong thực phẩm chức năng và được ăn như thức ăn hằng ngày thì sẽ nguy hại. Bởi viagra chỉ được chỉ định cho người có bệnh bị tổn thương cột sống (ống tủy) hoặc yếu sinh lý do nguyên nhân tâm lý. Còn nếu yếu sinh lý vì các nguyên nhân bệnh tật khác hoặc dị tật cơ quan sinh dục… thì lại phải có cách điều trị khác. Do đó, người bệnh không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng có thuốc viagra rồi về tự uống. Điều đó có thể dẫn đến hậu quả uống quá liều hoặc người có bệnh tim, bệnh huyết áp cao sử dụng… sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thừa nhận, tình hình quảng cáo thực phẩm chức năng rất lộn xộn bất chấp quy định, trước khi quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng khi quảng cáo trên mạng đều nói quá về công dụng hoặc nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, lợi dụng sự cả tin và thiếu thông tin của người tiêu dùng nên tình các sai phạm này vẫn diễn ra dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn rất nặng nề, phức tạp đồng thời chưa phản ánh hết thực tế thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, nhất là trong điều kiện cấp phép lưu hành thực phẩm chức năng không khắt khe như thuốc.

 

Nguồn:

Năng lượng Mới 529

Danh mục bài viết Thực phẩm chức năng

Đang tải dữ liệu loading