Giọt mắm ngày mưa

Thứ Tư, 13/05/2009 02:35

1,480 xem

0 Bình luận

(0)

1509

… Giữa trời đất phương Nam sụt sùi trong mưa, tiếng hò đưa loang trên mặt sông vắng khiến lòng người bỗng dưng thấy… ngùi ngùi! Vậy chứ thắc mắc mấy chuyện duyên tình thì ít nhưng… bụng dạ cồn cào vì mấy tiếng “nước mắm ngon” thì nhiều không kể!  

 

Các học giả, các nhà văn hoá từng bàn về “nước mắm Việt” một cách cao siêu: thiếu nước mắm thì chưa thành bữa cơm Việt Nam! Nồi cơm ở đầu mâm và chén nước mắm ở giữa mâm là biểu tượng cho những cái đơn giản mà thiết yếu: cơm gạo là tinh hoa của đất, mắm chiết xuất từ cá là tinh hoa của nước – giống như hành Thủy và hành Thổ là cái khởi đầu và cái trung tâm trong Ngũ Hành. Rồi thì chén nước mắm dung hòa đủ cả ngũ hành : vị mặn (Thủy) của nước mắm, đắng (Hỏa) của vỏ chanh, chua (Mộc) của chanh giấm, cay (Kim) của tiêu ớt, đem đựng trong chén đất (Thổ).v…v…

 

Riêng “kẻ nhà quê” này thì chỉ biết… ứa nước miếng thòm thèm nhớ cái hương vị vừa độc đáo, vừa nồng nàn quyến rũ của đủ ngũ vị: chua – cay – ngọt – mặn – đắng, lại vừa hài hòa tươi đẹp của ngũ sắc: trắng tỏi – xanh chanh – vàng gừng – đỏ ớt – đen tiêu khi chấm nắm cơm cháy vàng ươm nóng hổi của mình vào chén nước mắm mẹ pha trong bữa cơm ngày mưa bão!

 

Chỉ cần chén nước mắm pha và nồi cơm nóng hổi thế là đủ thành một bữa cơm quê đậm đà hương vị! Ngày bão, đường vắng chợ xa, thịt cá trở thành… xa xỉ, “sản vật” trong nhà chỉ còn cơm trắng và nước mắm. Vậy mà mẹ tôi, “người nội trợ từ năm 6 tuổi” cũng khéo pha chế thành “món” để hương vị nước mắm “chân quê” ấy ngấm mãi… cả đời tôi! Để lâu lâu vẳng nghe câu hát: “ Muôn đời mắm vẫn đưa hương…” thấy bọn trẻ cười khì khì: “Úi trời, mắm đưa hương… gì mà muôn đời luôn vậy?” lại thấy… thương tụi nó … sao giống mình hồi nhỏ!

 

Hồi nhỏ, ai mặc áo đẹp, áo thơm mà không… hết hồn khi thấy trên bàn bày món … bánh tráng cuốn thịt luộc chấm nước mắm (hay mắm nêm)! Hồi nhỏ, đứa nào mà không sợ mẹ biểu: “Cu Đen (hay con Mén) đem cái chai ra bà Năm mua nước mắm.” Bởi đứa nào cũng sợ… tuột tay “choang” một cái rồi ăn đòn quắn đít, nhưng “ám ảnh” mãi và đáng sợ nhất là mùi nước mắm… tắm ba ngày không bay!

 

Nước mắm là hương liệu (nghĩa là… thơm), là phụ trợ chính trong nghệ thuật bếp núc của người Việt mình! Đâu chỉ “sống hòa bình” với các loại gia vị khác, nước mắm phát huy tối đa công dụng trong việc nêm, ướp các món ăn và còn dùng để chấm các thứ rau. Nhưng, phải nghe cụ Vương Hồng Sển nói về cái thú ăn dân dã này mới thấy toát lên cái duyên “chân quê” của nước mắm: “Chúng ta có món mắm và rau, tức là mắm kho rau sống, bông súng nguyên sợi, rau dừa nguyên cọng, nếu xắt nhỏ thì mất ngon, và phải tự tay nắm cả nùi rau, vò lại và ngắt đứt bằng tay, dồn tất cả vào tô, chan ngập nước mắm, và lua vào mồm, nhai nghe sồn sột, má phúng ra, nín thở, miệng mồm choàm ngoàm, đến không thốt được lời nào, và như vậy mới thật là khoái khẩu…”

 

Đấy, đấy cái “duyên quê” của nước mắm là ở đấy! Trưa hè nực nội, chỉ cần bát nước rau vắt tí chanh, đĩa rau muống luộc xanh rờn rờn, thêm chén nước mắm dầm sấu (theo kiểu người Hà Nội) là đủ rồi! Ngày mưa gió lạnh, để dành được lưng cơm gạo dẻo, chấm nước mắm cốt cũng… no nê! Hay chén cháo trắng cho người ốm, chỉ có hành xanh cùng chút nước mắm hạt tiêu! Hay…

 

Chẳng dám lạm bàn! Chỉ biết bữa cơm người Việt trên chiếc mâm tròn chẳng bao giờ thiếu “cái nhụy” là chén nước mắm hiên ngang đứng giữa!

 

Cũng chẳng dám lạm bàn, chỉ thấy từ “cái nhụy” ấy tình yêu thương gia đình nảy nở trong mỗi trái tim người dân “xứ mình”!

 

Cũng chẳng dám lạm bàn. Vì cái “món” nước mắm sao cứ lam lũ, chân quê như cha mẹ ta mộc mạc. Mà, cha mẹ càng lam lũ, càng mộc mạc, đứa con càng khắc khoải, xót xa thương!

 

Nguyệt Kim

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading