Tàu hũ gánh

Thứ Hai, 11/05/2009 08:00

1,362 xem

0 Bình luận

(0)

4541

Bà rút ghế đòn ngồi nghỉ, ngắm thằng bé đang thưởng thức "tác phẩm" của mình. Mắt bà tươi cười, sáng lên những tia yêu thương nhìn đôi má bầu, cái miệng chóp chép của thằng bé. Chắc bà cũng thương thằng bé như đám cháu nội ngoại ở nhà. Bởi trước khi trao chén tàu hũ cho thằng bé, bao giờ bà cũng thêm một tí tàu hũ hay rưới thêm tí nước đường. Thằng bé lúc này sáng mắt vì được mẹ cho ăn tàu hũ, vì gánh tàu hũ của bà, chứ nào biết được ánh mắt bà nói gì, trong lòng bà nghĩ gì.

Người mẹ trẻ đứng nhìn con chan chứa yêu thương. Mẹ vui vì thấy con vui, dù chỉ được ăn món giản dị, quá đỗi bình dân. Thỉnh thoảng, trong những lần con được ăn tàu hũ, người mẹ trẻ cũng ghé ngồi, ăn một chén tàu hũ cùng con. Thỉnh thoảng thôi. Vì lát nữa đây, khi tan vị ngọt của nước đường gừng, hết vị béo của từng muỗng tàu hũ, người mẹ trẻ phải còng lưng may một tấm đệm, ráp bằng tám tấm bao xi măng, thì mới đủ tiền trả cho chén tàu hũ của bà.

Khi thằng bé vào cấp 1, tiếng rao "Ai... tàu hũ... hôn..." của bà đã nhỏ hơn, bước đi của bà đã chậm hơn, gánh tàu hũ như đè vai bà xuống thấp hơn. Rồi mấy năm sau, thằng bé không còn thấy bà gánh tàu hũ đi ngang nhà nó nữa. Bà đã kiếm được nghề khác? Hay bà đang bệnh, không còn đủ sức gánh tàu hũ qua bao dặm đường? Nó không biết. Ba má nó cũng không biết...

...Bao năm đã qua. Thằng bé ngày ấy giờ đã là chàng trai 20 tuổi, đi học xa nhà. Ngần ấy thời gian, cuộc sống biết bao đổi thay. Nhà anh cũng đã thay đổi. Con đường trước nhà cũng đã mở rộng gấp đôi. Đường rộng khoáng đãng nhưng cũng mất đi nhiều thứ. Mất đi sự tĩnh lặng vốn có ngày nào mà nhà anh ai cũng yêu thích. Ba má anh mất đi khoảnh sân tuy nhỏ nhưng có cỏ xanh rậm rì chen lẫn hoa hồng, công trình ba làm để tặng mẹ anh. Còn anh mất đi khoảng sân tuổi thơ, "giang sơn" mà anh từng vẫy vùng làm "hiệp sĩ”, rước đèn trung thu, nhảy lò cò với lũ trẻ con hàng xóm...

Một lần về thăm nhà, đang ngồi chăm chú và để lạc mình trong "thế giới phẳng", bỗng anh sững người vì tiếng rao "Tàu hũ chè... đ...â...y!...". Tiếng rao cao vống, lảnh lót, xé ngang bầu không khí đặc sệt oi bức giữa trưa nắng gắt. Anh như sống lại thời thơ ấu gắn liền với tiếng rao "Ai... tàu hũ... hôn..." của bà lão năm nào. Có lẽ, bán tàu hũ non không đủ sống, không đa dạng mặt hàng nên cô ấy đã phải bán thêm chè. Giọng rao cao vút vì cô còn trẻ. Chiếc nón lá sụp xuống vẫn không giấu được nét nhọc nhằn pha lẫn âu lo. Anh mở cửa định kêu mua thì cô gái đã đạp xe mất hút. Tàu hũ giờ không còn đựng trong nồi, được ủ trấu trong thúng như ngày xưa nữa. Tàu hũ hôm nay được đựng trong bình cách nhiệt, đặt trên baga xe đạp. Hèn chi, anh kêu không kịp!

Rồi một hôm, anh "phục kích" và kêu cô bán tàu hũ chè lại. Anh được ăn một ly tàu hũ tú hụ, cho bõ những ngày "trường kỳ mai phục". Ăn xong anh lặng lẽ vào nhà.

Làm sao nghe lại được tiếng rao "Ai... tàu hữ... hôn..." của bà gánh năm xưa? Làm sao có lại được hương vị ngọt ngào của chén tàu hũ nước đường thắng gừng thời thơ ấu?

Lương Hoài Sơn

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading