Tư vấn ẩm thực: Để pha chế nước mắm ngon

Thứ Tư, 25/03/2009 04:16

1,363 xem

0 Bình luận

(0)

3624

Trong tất cả các loại nước chấm của Việt Nam, không thể không nhắc đến nước mắm. Có lẽ đây là một loại nước chấm độc đáo của người Việt và là một trong những nguồn cung cấp chất đạm trong bữa ăn người Việt Nam.

Ngoài nước mắm, còn các loại gia vị cơ bản như tiêu, đường, chanh, me, giấm, gừng, ớt... được phối hợp để tạo ra các loại nước chấm mang hương vị khác nhau, phù hợp cho từng loại món ăn. Có thể kể vài loại nước mắm chấm của Việt Nam như: nước mắm sống, nước mắm gừng, nước mắm tỏi ớt, nước mắm thấm, nước mắm me...

Nước mắm pha chua, ngọt

Là loại nước chấm phổ biến nhất, có thể dùng trong bữa cơm gia đình với các loại rau sống, rau luộc, các món cuốn hay dùng với chả giò, bún, bánh cuốn, bánh xèo, cơm tấm…

Nước mắm pha chua ngọt thường được pha chế bằng nước mắm, chanh hoặc giấm và đường. Tỏi và ớt cũng là hai loại gia vị thường thấy trong loại nước chấm này.

Tùy từng món ăn thì các vị mặn, chua hay ngọt trong loại nước chấm này cũng khác nhau.

Nước mắm pha chua ngọt có khi còn được thêm vào ít củ kiệu chua xắt nhuyễn, có khi là hành tây và cà rốt xắt nhuyễn. Thường thấy trong nước chấm món bánh xèo, bánh khọt hoặc cơm tấm là đồ chua tức củ cải trắng và cà rốt ngâm giấm đường.  

Nước mắm sống

Gọi là nước mắm sống vì món nước chấm này hầu như được để nguyên không pha chế. Nước mắm sống thường được dọn chung với các món ăn có vị nhạt như rau sống, rau luộc, thịt, cá luộc…

Miền Nam có món canh chua nấu với cá lóc khi dọn lên bàn ăn không thể thiếu dĩa nước mắm sống để chấm cá. Cá đem nấu canh thì nước ngọt đã hòa với nước canh, phần thịt cá muốn đậm đà thì không gì ngon bằng được chấm với nước mắm sống có vài khoanh ớt cay nồng nhằm mất vị tanh.

Miền Nam còn có món nước mắm kho quẹt, là loại nước mắm sống cô đặc, có vị ngọt sắc của đường, vị béo của dầu, mỡ hay tóp mỡ, vị cay và thơm nồng của tiêu dùng ăn với cơm hoặc các món rau luộc.

Ở miền Trung thì ngoài ớt, vài gia đình lại rắc tiêu vào chén nước mắm. Nước mắm sống rắc tiêu thường được dọn ăn chung với thịt đầu heo luộc hoặc phèo non luộc, gan luộc… Nước mắm tiêu không cay xè ở đầu lưỡi như nước mắm ớt mà cay nồng, vừa ấm bụng vừa có hương thơm dễ chịu.

Miền Trung còn có món nước chấm độc đáo là trứng luộc dằm nước mắm sống. Loại nước chấm sền sệt này ăn chung với các loại rau luộc như bắp cải luộc, đậu bắp luộc.  

Nước mắm sống ở miền Bắc thì có khi được thêm ớt, nhưng thường thấy nhất là được vắt thêm vài giọt chanh hay quất để vị mặn của nước mắm dịu lại và cũng thường dùng để ăn với các loại thịt luộc hoặc rau luộc.

Nước mắm gừng

Phù hợp với các món cá trê nướng hoặc chiên giòn, món thịt vịt luộc. Nước mắm gừng trong các món này là nước mắm nguyên chất pha với đường, gừng giã nhuyễn và chút chanh.

Nước mắm gừng để ăn với cá trê, thịt vịt cần được pha thật đậm đà, không thêm nước, vì như vậy sẽ làm món ăn kém ngon. Nước mắm gừng để dùng chung với gỏi vịt hoặc để chấm với ốc, nghêu thì cần phải pha loãng với nước đun sôi để nguội, vị ngọt và chua dịu.

Nước mắm me

Là món nước chấm đặc trưng của miền Nam. Chuẩn bị me vừa chín, cho me vào nước sôi, quấy đều, bỏ hạt và xơ. Sau đó cho tỏi, ớt, gừng băm nhuyễn vào nước me. Thêm đường và nước mắm vào. Trộn tất cả cho đều, nước chấm hơi sệt nhờ có cơm me.

Nước mắm me được dùng với các món lươn như lươn chiên giòn, lươn om lá lốt hoặc các món cá kèo chiên giòn, món khô cá khoai nướng…

Dù là loại nước mắm chấm nào, cũng cần lưu ý nguyên tắc khi phối hợp các nguyên liệu gia vị. Đó là:

- Các loại nước chấm pha loãng, có vị chua, ngọt, hơi nhạt phù hợp với các món gỏi, cuốn bánh tráng hoặc cuốn với rau sống hoặc ăn chung với bún.

- Các loại nước mắm có vị đậm, sắc thích hợp cho những món luộc (gà luộc, thịt luộc, đậu bắp luộc…). Nước mắm dùng với các món hải sản luộc cũng có vị đậm, sắc nhưng vị ngọt và chua nhiều.

- Khi pha chế cần phối hợp vị mặn và chua trước, sau đó mới điều chỉnh vị mặn của nước mắm.

- Các loại gia vị như tỏi, ớt bằm nên cho vào nước mắm sau cùng để các nguyên liệu này không ngấm nước mắm, làm mất hương thơm đặc trưng.

Th.sĩ NGUYỄN THỊ DIỆU THẢO

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading