Ăn uống thế nào để phòng chống ung thư vú?

Thứ Ba, 24/03/2009 01:34

2,580 xem

0 Bình luận

(0)

1579

Chế độ ăn được cho là “có trách nhiệm” trong 30-40% các trường hợp bị ung thư. Tuy nhiên chế độ ăn một mình nó dường như không phải là nguyên nhân gây ra ung thư cũng như không thể điều trị ung thư.

 Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện được một số yếu tố môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể có thể tác động lên sức khỏe và có thể khiến khối ung thư ở vú phát triển.

Yếu tố bên trong chính là gen di truyền. Yếu tố bên ngoài là không khí, nước uống, thực phẩm, thuốc, âm nhạc, tiếng ồn, con người và stress. Các yếu tố này có thể tương tác với nhau tạo ra bệnh.

 Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và ung thư

 Chế độ ăn được cho là “có trách nhiệm” trong 30-40% các trường hợp bị ung thư. Tuy nhiên chế độ ăn một mình nó dường như không phải là nguyên nhân gây ra ung thư cũng như không thể điều trị ung thư.

 Dù vậy, rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện một khẩu phần ăn lành mạnh (ít mỡ, nhiều rau và chất xơ), các hoạt động thể chất tích cực cũng như một cân nặng hợp lý có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú hoặc đẩy lùi ung thư chậm hơn.

 Ăn uống thế nào để phòng chống ung thư vú?

 Ăn ít chất béo có thể giảm nguy cơ ung thư vú lần đầu cũng như tái phát

 Duy trì tốt một chế độ ăn ít chất béo có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú quay trở lại. Một nghiên cứu trên những phụ nữ chỉ ăn 25% năng lượng từ chất béo cho thấy họ ít có nguy cơ tái phát, chủ yếu trên những phụ nữ ung thư vú thuộc nhóm không có chất tiếp nhận estrogen (estrogen receptor negative breast cancer).

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy việc thay đổi chế độ ăn theo hướng giảm chất béo sẽ đem lại rất nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe, dù với bất kỳ loại ung thư nào. Ngoài việc hạn chế chất béo, việc ăn nhiều rau và trái cây còn giúp giảm cân. Tất cả những điều này đều giúp giảm nguy cơ tái phát.

 Một nghiên cứu khác trên những phụ nữ đã mãn kinh được chia thành hai nhóm: Một nhóm chuyển sang chế độ ăn ít béo và một nhóm vẫn tiếp tục chế độ ăn như cũ, thì thấy rằng không có sự khác biệt về nguy cơ ung thư vú giữa hai nhóm này.Tuy nhiên trên những phụ nữ có chế độ ăn chất béo cao từ đầu thì việc chuyển sang chế độ ăn giảm chất béo sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú lần đầu. Việc giảm mỡ, tăng rau và trái cây, ăn ngũ cốc thô (nguyên hạt) sẽ giúp bạn nhận đủ chất dinh dưỡng và đóng góp vào sức khỏe chung của bạn và giúp giảm cân nếu cần thiết.

 Giữ cân nặng lý tưởng giúp giảm nguy cơ ung thư vú lần đầu và tái phát

 Các nghiên cứu trên việc duy trì cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ ung thư vú lần đầu đã cho thấy những phụ nữ thừa cân béo phì sẽ có nhiều nguy cơ bị ung thư vú sau khi mãn kinh cao hơn nhóm phụ nữ có cân nặng bình thường.

 Duy trì một cân nặng hợp lý còn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú tái phát. Nghiên cứu trên các phụ nữ ung thư vú cho thấy những người tăng cân sau khi được chẩn đoán là ung thư vú thì tỷ lệ bị tái phát cao hơn hẳn so với nhóm không tăng cân. Vì vậy cần phải lên kế hoạch ngay cho một chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm cả các hoạt động thể lực với 3 đến 4 giờ đi bộ mỗi tuần.

 Tóm lại, để phòng ngừa nguy cơ ung thư vú, cần thực hiện những điều sau đây:

  1. Giữ cân nặng hợp lý với chiều cao của mình. Duy trì chỉ số BMI của mình trong khoảng lý tưởng từ 18,5-23 kg/m2 (ở người Châu Á).
  2. Ăn nhiều rau và trái cây (trên 300g/ ngày)
  3. Ăn ít chất béo dưới 20% tổng nhu cầu năng lượng.
  4. Sử dụng thực phẩm giàu acid béo không no omega3 như cá, dầu thực vật
  5. Tránh mỡ động vật, hạn chế thịt đỏ (thịt heo, thịt bò…), thức ăn xông khói…

 

                                                                                              BS ĐÀO THỊ YẾN THỦY

Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Danh mục bài viết Món ăn & sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading