Gia đình trị liệu

Thứ Sáu, 26/12/2008 10:34

1,195 xem

0 Bình luận

(0)

4942

Gia đình vui khỏe

 

Hỏi: Ông xã tôi suốt ngày lầm lì với vợ, nhưng gặp bạn bè thì nói say sưa, nổ như bắp rang, nói với vợ thì cộc cằn, nhưng với các đồng nghiệp nữ thì ngọt ngào lắm! Chuyện vợ chồng thì có vẻ miễn cưỡng, yếu toàn diện, nhưng nghe nói đi bia ôm tăng hai tăng ba thì hăng hái lắm. Sao vậy bác sĩ?

Phm12... @ yahoo.com

Cẩn thận! Một hôm đẹp trời nào đó ổng bỗng hết lầm lì với vợ, trở nên ngọt ngào kỳ lạ hoặc nổ như bắp rang với vợ thì phải cảnh giác! Nhưng thôi, hãy tưởng tượng một chút: giả sử ổng luôn lầm lì với sếp, cộc cằn với khách hàng, "chua chát" với bạn bè đồng nghiệp (nữ)... thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Trên thực tế có lẽ ổng đã quá mệt mỏi vì cả ngày phải cười cười nói nói, phải sắm vai ngọt ngào, thân thiết với mọi người nên khi về đến nhà mới có dịp được "hiện nguyên hình" cho thoải mái một chút! Nếu vợ nhà mà cũng không hiểu, cũng buộc ổng phải coi như... khách hàng, như đồng nghiệp (nữ)... thì tội nghiệp ổng biết bao! Đó cũng có thể là lý do dẫn đến chỗ "yếu toàn diện". Bởi vì khi người ta bị động, bị phê phán, bị suy diễn, "chụp mũ”... người ta dễ trở nên "suy sụp" toàn diện. Suốt ngày đã đóng kịch, đã mang mặt nạ thì về nhà cho người sống tự nhiên với mình một chút chứ phải không? Lúc trông ổng có vẻ lầm lì, cộc cằn... như vậy mà có khi trong lòng đang hạnh phúc, yên ổn bên vợ con thì tốt hơn nhiều chứ.

Một người vợ nhạy cảm có thể nhận ra điều đó, biết lúc nào ổng thực bụng lúc nào ổng đóng kịch. Cũng vậy, người phụ nữ ngày nay phải bươn chải ngoài xã hội, đầu tắt mặt tối, căng thẳng với công việc này nọ, về nhà đã mệt đừ, bơ phờ, hốc hác, người chồng cũng phải thông cảm để cho họ được "hiện nguyên hình" một chút. Nếu người chồng cũng trách cứ ra ngoài thì rôm rả, ngọt ngào, về nhà thì cộc cằn, lầm lì... cũng tội nghiệp lắm chứ!

Vần đề ở đây là biết điều chỉnh sao cho hợp lý thái độ và hành vi của mỗi người trong gia đình. Nhưng dù bất cứ trường hợp nào thì sự chân thành vẫn là yếu tố quyết định. Sống với nhau mà không chân thành thì khổ lắm, đóng kịch hoài sao? Yếu tố thứ hai là sự thấu cảm. Đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu. Hiểu được thì sẽ giận thì giận mà thương thì thương. Mọi sự suy diễn kiểu như "nghe nói đi bia ôm...." này nọ có thể tạo ra không khí căng thẳng không cần thiết.

Ngành tâm lý gia đình trị liệu (family therapy) có một cách chữa bệnh khá hay, nếu được, thử xem sao! Bí mật lắp một cái camera đâu đó trong nhà, thu toàn bộ hình ảnh (cử chỉ, thái độ, lời nói...) của mọi người trong gia đình. Sau đó mang ra chiếu lại cho mọi người cùng xem, rồi cùng phân tích, thảo luận, đề ra biện pháp "chữa trị”. Nhiều tình huống người luôn lên án, kết tội... người khác sẽ "bật ngửa" khi thấy lỗi là ở mình. Nếu mình không làm vậy, người kia sẽ không phản ứng như thế. Nhờ đó mà có thể tự phát hiện, tự điều chỉnh.

Nguyên tắc gia đình trị liệu là không nhằm chữa trị cho riêng một cá nhân, mà coi gia đình như một "hệ thống" bị trục trặc (bệnh lý) trong mối quan hệ, tương tác, truyền thông... giữa các thành viên. Cách chữa tốt nhất là chữa tự bên trong chứ không phải các giải pháp hay thuốc men từ bên ngoài mang đến.

Ủa, mà hình như câu hỏi này gửi nhầm địa chỉ rồi thì phải?

BS Đỗ Hồng Ngọc (ngocdo@hcm.vnn.vn)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading