Phẫu thuật tạo hình vùng hàm-mặt

Thứ Sáu, 03/10/2008 04:04

949 xem

0 Bình luận

(0)

3939



Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) có thể giúp hạ một đôi gò má quá cao xuống thấp, "nắn" một chiếc cằm khuyết, lẹm trở nên đầy đặn, hay "biến" một gương mặt vuông vức chữ điền thành trái xoan. Tuy nhiên, PT tạo hình hàm-mặt là một PT khó. BS Võ Duy Thiện - Chuyên khoa Phẫu thuật - Tạo hình, BV Thẩm mỹ Thanh Vân, tư vấn:


PTTM chỉnh hình hàm mặt có hai loại: PT thêm vào và PT bớt đi.

* PT thêm vào (độn sụn tự thân hoặc silicon vào những vùng hóp, lõm của hàm dưới). Phương pháp mới hiện nay là dùng nội soi.

PT thêm vào thường áp dụng cho những người có cằm lẹm đơn thuần. Vật liệu tự thân có ưu điểm dễ dung nạp với cơ thể nhưng PT lại rất phức tạp vì phải làm PT hai thì (cùng lúc hai nơi trên cơ thể), khó gọt, khó tạo dáng. Về sau muốn chỉnh sửa lại rất khó, vì đã tương hợp với cơ thể, tạo thành một khối. Với sụn nhân tạo (làm bằng silicon đặc) thì dễ tạo dáng hơn, và có thể lấy ra thay cái khác nếu trong quá trình làm PT không được như ý.

Trong trường hợp cằm lẹm và ngắn (cảm giác như không có cằm), các BS sẽ lấy một mảnh xương hoặc một mảnh sụn độn ra phía trước, tạo dáng cho cằm.

Trường hợp cằm lẹm và dài, BS sẽ phải cắt bỏ phần xương dài, lấy xương của phần thừa, xoay lại và đặt vào chỗ thiếu.

Biến chứng có thể gặp: lộ chất liệu, nguyên nhân là do khi đặt vào không cố định kỹ, cũng có thể do lực co kéo của cơ, dần dần đẩy chất liệu ra, khiến cằm bị lệch. Một biến chứng nữa là nhiễm trùng sau mổ. Tuy là PT nhỏ, nhưng lại là những PT khó, đòi hỏi BS phải có tay nghề cao.

* PT lấy bớt (thường áp dụng cho cằm bạnh) có thể thực hiện theo hai đường: từ ngoài vào và từ trong miệng.

- Đường ngoài vào: BS sẽ phải rạch dưới góc hàm 3cm, bóc tách da cơ, màng xương và đi trực tiếp vào xương. Sau đó dùng máy khoan gọt bỏ một phần góc hàm, rồi dùng máy mài cho trơn láng, sau đó lại dùng máy cắt lại cho thon gọn góc hàm... Biến chứng dễ gặp của phương pháp này là gây tổn thương hàm dưới.

- Đường từ trong miệng: Rạch niêm mạch vùng ngách hàm trong xương hàm dưới. Sau khi dùng máy khoan, cắt, gọt, mài làm cho cằm thon gọn, các BS sẽ khâu đóng lại. Ưu điểm là không để lại sẹo nhưng lại rất khó thao tác, đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên dùng. Biến chứng có thể gặp trong kỹ thuật này là dễ gây chảy máu, và rất khó cầm máu.

Tuy không phải là một cuộc đại phẫu nhưng đây là một PT khó, đòi hỏi BS phải có tay nghề cao. Do vậy, trước khi quyết định thực hiện PT, các bạn nên cân nhắc kỹ. Đặc biệt là nên tư vấn trước ở các BS chuyên khoa về hàm-mặt.

Thiên Nga (thực hiện)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading