Ăn đúng cách

Thứ Bảy, 06/09/2008 09:22

928 xem

0 Bình luận

(0)

2483

Để đảm bảo đủ dinh dưỡng mỗi người cần ăn uống đa dạng, sử dụng nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và đổi món thường xuyên. Mỗi loại thực phẩm đều có dưỡng chất nhưng chưa đầy đủ. Phải phối hợp chúng lại mới có được chế độ ăn đa dạng, “thu gom” được những dưỡng chất khác nhau, đủ cho cơ thể.

Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, mỗi ngày ăn 10 loại thực phẩm là có thể bảo đảm về năng lượng và vi chất, nhưng theo khuyến cáo gần đây nhất của chính tổ chức này, phải ăn tối thiểu 20 loại thực phẩm thuộc bốn nhóm: đạm, béo, đường bột, vitamine và khoáng mỗi ngày mới đủ dinh dưỡng.

Nguyên tắc phối hợp thực phẩm

Để thực phẩm “phát huy” hết tác dụng khi phối hợp, cần lưu ý nguyên tắc: nguồn thực phẩm phải lành, sạch và không có độc tố. Bà Lâm đề nghị, trong căn bếp của mỗi gia đình, luôn cần lưu trữ 10 loại thực phẩm lành mạnh để phối hợp với các thực phẩm khác trong bữa ăn. Đây là 10 loại thực phẩm chủ đạo, mà theo một nghiên cứu của Hội Nội khoa Hoa Kỳ, nếu ăn liên tục sẽ giảm 10% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Đó là: đậu tương - nguồn cung cấp protein tuyệt vời; rau có màu xanh sẫm (xúp lơ xanh, cải xoong, rau ngót...) - nguồn cung cấp vitamine C, kích thích hệ miễn dịch; cá - chứa chất béo thiết yếu là omega giúp bảo vệ động mạch khỏi cholesterol; các hạt ngũ cốc: phải còn nguyên cám; gúp ổn định đường huyết và lượng insulin trong máu; nước: nếu thiếu nước sẽ gây mệt mỏi và cứng cơ. Nên uống đủ sáu cốc nước loại 200ml/ ngày; các loại quả mọng: nho, dâu tây, hồng đỏ... chứa nhiều chất chống vi khuẩn E coli; trứng: ăn ở mức độ vừa phải, không quá năm quả/tuần là cách tốt nhất để đưa thêm chất béo có lợi vào cơ thể; khoai lang: chứa nhiều chất caroten; các loại hạt: vừng, bí ngô, hướng dương chứa nhiều omega 3, kẽm và sắt; trà xanh: có tác dụng bảo vệ các tế bào chống lại ung thư, tim mạch; tỏi - loại thực phẩm có tác dụng kháng siêu vi mạnh nhất (chống các loại bệnh cảm, cúm...).

Ăn đúng cách

Các thầy thuốc có câu “bệnh từ miệng đi vào”,chính là để khuyên mọi người cần biết ăn đúng cách. Do tâm sinh lý của con người luôn biến đổi theo thời gian, nên thực đơn cũng phải thay đổi, ăn uống phải phù hợp với thời tiết và mùa. Mùa đông lạnh lẽo nên dùng thức ăn làm ấm người như rau củ nấu chín hơn, dùng một ít gia vị có lợi cho tiêu hóa như gừng, tiêu, tỏi. Ngược lại, mùa hè khô nóng nên ăn các thức ăn mát như rau sống, xà lách, các món luộc, tránh các loại thức ăn xào, rán, nhiều dầu mỡ hoặc chế biến quá cầu kỳ.

Thức ăn cũng phải phù hợp với từng lứa tuổi. Ví dụ: người già tránh ăn mặn như thanh niên; phụ nữ nên ăn nhiều loại rau, hoa quả hơn nam giới; người lao động chân tay ăn nhiều thịt cá hơn người lao động trí óc...

Cuối cùng, để cơ thể khỏe mạnh, ngoài bữa ăn đa dạng, mỗi người cần có nếp sống lành mạnh, năng động, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia.
Mai Tâm(ghi)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading