Đi khám bác sĩ

Thứ Năm, 31/07/2008 09:31

987 xem

0 Bình luận

(0)

3445

Một bác sĩ phụ trách một khoa “hình ảnh” ở một bệnh viện lớn có lần than phiền với tôi: “Một số bác sĩ trẻ bây giờ... làm biếng khám lâm sàng, chỉ vin vào máy móc”. Có lần anh nhận một phiếu yêu cầu làm siêu âm cho một bệnh nhân với lý do “u bụng chưa rõ nguyên nhân”. Kết quả: một cái thai hơn bốn tháng tuổi, đã bắt đầu ngọ ngoạy! Trong trường hợp này chỉ cần hỏi vài câu và “nhìn sờ gõ nghe” một chút đã có thể có chẩn đoán chính xác, dĩ nhiên “nguyên nhân” thì vẫn còn “chưa rõ”...!

● BS ơi, vợ em đi khám bệnh về than: BV toàn dùng máy móc, không ai thèm rờ đến người mình. Vậy đúng hay sai?
Đức Hùng (Q.6, TP.HCM)

Hồi xưa vua chúa có quan ngự y chăm lo sức khỏe, trong đó thái y là vị quan đứng đầu, giỏi nhất. Tôi không rõ ngự y có cần phải là... thái giám không, nhưng ngự y rất có uy tín trong triều. Có điều khi khám bệnh cho hoàng hậu, công chúa, ngự y không được khám trực tiếp trên người. Ví dụ nếu cần bắt mạch, thì cột sợi dây lụa từ cườm tay đưa ra ngoài màn. Ngự y chỉ cần mân mê sợi dây mà biết bệnh! Còn khi cần khám thực thể một vùng nào đó thì người ta đưa cho một hình nhân bằng gỗ, trên đó có đánh dấu các vị trí cần thiết. Thầy lim dim quan sát một lúc rồi... bốc thuốc!

Bây giờ cũng vậy thôi, không... khác mấy. Cũng với mấy sợi dây điện ngoằn ngoèo gắn vào cườm tay, cườm chân, vào ngực, hoặc rà rà trên bụng... Bác sĩ chỉ ngồi trước màn hình, lim dim quan sát như các quan ngự y ngày xưa; và, người bệnh bỗng chốc trở thành hoàng hậu, công chúa! Thậm chí người ta còn có thể khám bệnh từ xa, từ nửa vòng trái đất, thậm chí vẫn theo dõi được tình trạng sức khỏe của các nhà du hành vũ trụ đang bay vèo vèo trong không trung.


Thế nhưng, khám lâm sàng vẫn là cốt lõi trong nghệ thuật khám chữa bệnh. “Lâm” là đến, “sàng” là giường. Lâm sàng là đến tận giường người bệnh mà thăm khám, chứ không thể khám qua điện thoại, hoặc qua thư gửi đến báo... Phụ Nữ!

Khám “lâm sàng” gồm những bước như “hỏi bệnh” rồi “nhìn, sờ, gõ, nghe” của Tây y hay “vọng văn vấn thiết” của Đông y. Từ ngày có nhiều máy móc thăm dò, xét nghiệm, lâm sàng bị coi nhẹ. Một bác sĩ phụ trách một khoa “hình ảnh” ở một bệnh viện lớn có lần than phiền với tôi: “Một số bác sĩ trẻ bây giờ... làm biếng khám lâm sàng, chỉ vin vào máy móc”. Có lần anh nhận một phiếu yêu cầu làm siêu âm cho một bệnh nhân với lý do “u bụng chưa rõ nguyên nhân”. Kết quả: một cái thai hơn bốn tháng tuổi, đã bắt đầu ngọ ngoạy! Trong trường hợp này chỉ cần hỏi vài câu và “nhìn sờ gõ nghe” một chút đã có thể có chẩn đoán chính xác, dĩ nhiên “nguyên nhân” thì vẫn còn “chưa rõ”...!

Nhiều thầy thuốc giỏi lâm sàng chỉ cần nhìn thoáng qua đã có thể biết ngay là bệnh gì. Một bé vàng da, nhìn có thể biết vàng da do viêm gan, do tắc mật hay thừa carotène vì ăn quá nhiều cà-rốt, bí đỏ... Nhìn dáng đi lom khom vì đau của người bệnh, bác sĩ có thể biết là viêm ruột thừa hay viêm cơ thăn... Chỉ cần hỏi vài câu rồi quan sát phân, nghe mùi phân của em bé có thể biết là tiêu chảy sinh lý hay do vi trùng E.Coli, vi trùng Shigella, hay do suy dinh dưỡng kéo dài...

Một bệnh nhân đau, sẽ được hỏi những câu như: Đau ở đâu? Đau nhiều nhất chỗ nào? Đau một chỗ hay lan tỏa chung quanh? Đau từng cơn hay đau liên tục? Đau dữ dội hay đau lâm râm? v.v... Ho thì ho kiểu nào, kiểu “chó sủa” hay kiểu khò khè, kiểu ho tràng dài đỏ mặt tía tai hay ho khúc khắc... Nhìn các loại “ban” nổi trên da đã có thể phân biệt là ban do Rubella hay sởi, sốt xuất huyết... Dĩ nhiên phải luôn thận trọng, không được chủ quan!

Rồi đến “sờ” lại là cả một nghệ thuật. Phải sờ từ chỗ không đau đến chỗ đau, sờ từ nhẹ đến mạnh, từ cạn đến sâu, hai bàn tay phải được xoa ấm trước khi sờ để người bệnh không phải giật mình đánh thót...! Rồi “gõ”. Với vài ngón tay nhẹ nhàng khéo léo, người thầy thuốc lành nghề chỉ cần gõ gõ vài cái thì biết... trong đó có gì, có mủ hay có khí, đặc hay rỗng. “Nghe” còn tuyệt vời hơn. Với chiếc ống nghe đã có thể phát hiện chính xác những bệnh về tim mạch, về hô hấp...

Dĩ nhiên sau đó cũng cần kiểm chứng với X-quang, siêu âm và các xét nghiệm cận lâm sàng khác nếu cần. Khám lâm sàng do đó không thể thiếu khi đi khám bác sĩ. Bác sĩ càng giỏi lâm sàng thì càng ít bị lệ thuộc vào máy móc, trang thiết bị tân kỳ, tốn kém, thay đổi mẫu mã thường xuyên.

Tóm lại, khi đi “khám bác sĩ”, nhớ các chi tiết bệnh tình để mô tả, hoặc nếu sợ quên thì nên ghi sẵn ra giấy cho chắc ăn.

Đức Hùng (Q.6, TP.HCM)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading