Xét nghiệm

Thứ Năm, 24/07/2008 08:55

974 xem

0 Bình luận

(0)

2325

Nói chung, không bao giờ nên tự đọc kết quả xét nghiệm rồi suy đoán lung tung. Ngay cả các bác sĩ cũng không ai chỉ xem kết quả xét nghiệm, rồi “phán” là bệnh này hay bệnh khác.

Thậm chí, tuy kết quả xét nghiệm giống nhau mà ở hai người bệnh cảnh cũng đã khác nhau, cách xử lý, chữa trị cũng khác nhau. Vì vậy mà trong ngành y có câu châm ngôn: “Chỉ có người bệnh chớ không có bệnh!”. Xét nghiệm chỉ là một
phần bổ sung cho việc khám “lâm sàng” của bác sĩ, nhằm xác định chính xác một thứ bệnh nào đó để có kế hoạch điều trị tùy trường hợp.

Dù sao, cũng xin trả lời một chút về câu hỏi trên. Trong chữ HBsAg thì chữ H có nghĩa là Hepatitis (viêm gan), chữ B là virus B (vì viêm gan có thể do các loại virus A, B, C, D, E... gây ra); chữ “s” có nghĩa là surface (bề mặt, lớp vỏ) và Ag là Antigen (nghĩa là kháng nguyên)... Như vậy HBsAg có nghĩa là “kháng nguyên bề mặt, thuộc lớp vỏ của siêu vi viêm gan B”. Khi xét nghiệm máu thấy HbsAg dương tính (+) chứng tỏ có sự hiện diện của virus B trong máu. Trong chữ HBcAg thì chữ “c” có nghĩa là core (lõi), nếu dương tính (+) chứng tỏ bệnh đang phát triển. HBeAg, thì chữ “e” có nghĩa là endogenic (nội sinh), nếu (+) có khả năng lây lan cao.


Tuy nhiên, trong xét nghiệm viêm gan siêu vi B, có trường hợp thấy kết quả dương tính (+) lại mừng, vì bệnh đã qua khỏi và cơ thể đang có sức đề kháng tốt, hoặc có khi có nghĩa là chủng ngừa đã có hiệu quả. Vì vậy không nên tự đọc kết quả xét nghiệm, hãy để công việc ấy cho các nhà chuyên môn.

Điều cần biết ở đây là viêm gan siêu vi B là bệnh rất phổ biến ở nước ta. Cứ tám người thì có một người bị nhiễm. May thay, trên 90% các trường hợp đều tự khỏi sau vài ba tuần lễ, chỉ khoảng 1% cấp tính nặng, gây tử vong. Ngoài ra, có khoảng 10% chuyển sang thể mạn tính (kinh niên), dẫn tới ung thư, chai gan về sau... Do vậy, cách tốt nhất là nên chủng ngừa và tránh các đường lây. Siêu vi viêm gan B (gọi tắt HBV) lây qua đường máu (truyền máu, tiêm chích, làm răng, châm cứu, cắt lể, xâm mình, xỏ lỗ tai... với dụng cụ chưa vô trùng), lây qua đường tình dục, và lây từ mẹ sang con... Người mình ưa châm, chích, cắt, lể... nếu không cẩn thận rất dễ bị lây nhiễm.

Còn ASAT/ ALAT là xét nghiệm men transaminases. ALAT, chữ viết tắt của Alanine Amino Transférase, chủ yếu ở trong gan, còn ASAT chữ viết tắt của Aspartate Amino Transférase chủ yếu ở trong cơ bắp, kể cả cơ tim. Khi có sự gia tăng vượt quá mức bình thường thì có vấn đề nghi ngờ về một bệnh lý nào đó. Thí dụ khi men tăng cao mà ALAT>ASAT thì có vấn đề về gan; còn khi tăng cao mà ALAT < ASAT thì có vấn đề về.. tim. Trên tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ có thể có chẩn đoán chính xác.

Tôi muốn nhắc lại một chuyện kể của giáo sư Pasteur Vallery Radot (cháu nhà bác học Pasteur): một vị bác sĩ người châu Phi đến Paris (Pháp) dự Hội nghị Y khoa, thấy trong người uể oải, bèn cho làm một cái xét nghiệm máu. Kết quả: ung thư máu. Biết bệnh không thể chữa được, ông tự tử. Ngày hôm sau, Labo (phòng xét nghiệm) gửi thư đến... xin lỗi vì đã gửi... nhầm kết quả của một bệnh nhân khác!


hoangyen1974@

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading