Nám da,   làm sao hết?

Thứ Sáu, 11/07/2008 03:42

2,050 xem

0 Bình luận

(0)

4375

Chị Hồng Nhung, nhân viên văn phòng bị nám da, sạm đen từ gò má đến cằm nên hễ nghe ai chữa hết nám da là chị xin địa chỉ để đến. Thế nhưng, sau một năm điều trị, vết nám vẫn không chịu... "biến". Chị Ngọc Hương - một tiểu thương ở Q.3, TP.HCM cũng bị nám da. Chị tâm sự: "Ban ngày dùng thuốc, ban đêm dùng kem. Điều đầu tiên phải thuộc nằm lòng khi chữa nám là tránh nắng. Vì vậy, tôi ở chợ đến khi tắt nắng mới về. Đi đâu, tôi cũng bịt hai khẩu trang dầy cui, đội nón rộng vành, đội mũ bảo hiểm có vành luôn. Vậy mà vết nám chữa hoài không hết.

May mắn nhất trong những người đi chữa nám da thành công là chị Đông Ba, nhà ở đường Hồ Biểu Chánh, Q.Phú Nhuận. Chị cho biết: "Tôi bị nám đậm đen hai bên gò má nên rất mất tự tin. Nghề của tôi phải tiếp xúc nhiều nên phải dùng phấn dày che khuyết điểm. Quyết tâm trị nám, tôi bấm bụng xài toàn sản phẩm đắt tiền. Để chữa hết vết nám, tôi đã  trải qua những tháng ngày xấu xí, do phải tuân thủ chế độ điều trị”. Sau thời gian "xấu xí”, da mặt chị Ba nay đã trắng mịn hơn, bạn bè gặp ai cũng ngỡ ngàng. Nhưng tổng số tiền trị nám của chị đã lên đến 1.000 USD và vẫn phải dùng liều duy trì.


Nám da có trị được không?

BS Võ Quang Đỉnh - Đại học Y dược TP.HCM giải thích, trong y khoa, tình trạng nám da chia làm 3 cấp độ: nông (nám nhẹ), sâu (nám sậm màu, lâu năm) và hỗn hợp (vừa nông vừa sâu). Trong đó, chỉ có thể điều trị hiệu quả nám nông, còn nám sâu thì không có kết quả, nám hỗn hợp chỉ có kết quả một phần. Các bệnh viện và thẩm mỹ viện hiện nay thường dùng ba cách điều trị nám da: dùng thuốc, lột nám bằng hóa chất, dùng máy laser, IPL... Lột da bằng hóa chất chủ yếu được thực hiện tại các thẩm mỹ viện, nhưng có thể gây tai biến: để lại sẹo, nhiễm trùng. Còn dùng thuốc và các máy điều trị vẫn dễ bị nám lại (y học gọi là tăng sắc tố sau viêm).

Điều cần biết là, ngay cả khi đã điều trị hết nám vẫn có thể bị lại. Theo BS Võ Thị Bạch Sương - Đại học Y dược TP.HCM: "Điều trị nám da mặt để giảm hoặc khỏi tạm thời thì dễ, nhưng để khỏi hẳn và không bị tái phát lại rất khó khăn, cần phải kiên trì”.


Ngừa nám da

Nám da là tình trạng bình thường. Khi chúng ta đi nắng nhiều, da tự tạo ra màng chắn (đốm nám) để chống lại tia tử ngoại, bảo vệ da. Do đóng vai trò "người bảo vệ" nên vết nám rất khó chữa và dễ tái phát. Theo BS Huỳnh Huy Hoàng - BV Da Liễu TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây nám: Do yếu tố nội tiết; tiếp xúc thường xuyên với mỹ phẩm, dầu thơm, bụi khói, dầu mỡ, hắc in, than đá; uống một loại thuốc ngừa thai kéo dài, mãn kinh, do sử dụng thuốc, tiếp xúc nhiều với nắng, lo âu, stress...

Theo các chuyên da da liễu, chống nắng tích cực là cách tránh nám hiệu quả nhất (sử dụng kem chống nắng có độ SPF trên 15, hạn chế ra nắng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ trưa, khi có tia cực tím cao). Không nên dùng các loại kem, thuốc bôi có chứa corticoid, thủy ngân. Các loại này cho kết quả trắng da nhanh, nhưng sau đó vết nám sẽ mau chóng xuất hiện trở lại và có thể bị thêm các tác dụng phụ của thuốc như: mụn nhiều, đỏ da... Hạn chế sử dụng mỹ phẩm kể cả chất tẩy rửa da mặt, sống lạc quan, yêu đời, tránh lo nghĩ nhiều.

Chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, và dùng các chất chống oxy hóa như vitamine C, E, beta carotene, selenium có trong rau ngót, cần tây, rau đay, đậu xanh, xà lách, đậu phộng, bắp, lúa mì, cà rốt, gấc, cà chua, cá biển, lòng đỏ trứng gà, dầu ôliu, gan động vật...


Phương Nam

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading